Nguy cơ chiến tranh thương mại Nga-Ukraina
Nhiều người còn nhớ sự kiện mùa đông năm 2006, khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom bất ngờ quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina. Gazprom giải thích rằng, do đối tác Kiev cố tình không thanh toán các khoản tiền nợ khí đốt.
Tuy nhiên, phía Ukraina lại khăng khăng cho rằng, Moskva cố tình ép họ mua khí đốt với giá quá cao so với mức có thể chấp nhận được. Sự việc chỉ được giải quyết khi chính quyền Ukraina trước sức ép từ dư luận trong nước đã phải chấp nhận các điều kiện từ phía Nga.
Đầu năm nay, giữa hai quốc gia láng giếng này lại nảy sinh một cuộc xung đột thương mại mới. Vấn đề xảy ra khi Ukraina áp đặt thuế bổ sung đối với xe nhập khẩu Lada từ Nga. Trong khi đó, Moskva một mặt tuyên bố sẽ kiện Kiev ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời lên kế hoạch áp dụng nhiều loại thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraina như kẹo chocolate, than, kính để trả đũa việc Kiev áp thuế suất đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu từ Nga.
Trong quan hệ thương mại hai nước, Nga là nước nhập khẩu lớn nhất hàng hóa từ Ukraina. Theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Ukraina, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Ukraina đạt hơn 30 tỷ USD mà trong đó thị phần sang Nga chiếm 24,7%. Moskva muốn lôi kéo Ukraina gia nhập Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakstan.
Trong bối cảnh Kiev thúc đẩy tiến trình liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và hy vọng sẽ ký được hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) với EU vào tháng 11 tới, từ ngày 14/8, hải quan Liên bang Nga đã siết chặt kiểm tra hàng hóa Ukraina tại biên giới với Nga. Theo đó, phía Nga đã áp dụng biện pháp kiểm tra đối với 100% hàng hóa đến từ Ukraina và thực tế đã tạo ra tình trạng ách tắc xe hàng vô thời hạn tại các trạm hải quan, gia tăng chi phí của các nhà xuất khẩu, gây hư hỏng hàng hóa.
Ngày 18/8/2013, trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về các vấn đề phát triển hợp tác thương mại, ông Sergei Glazev đã tiếp tục đẩy căng thẳng lên mức cao hơn khi tuyên bố Nga có thể thắt chặt biện pháp kiểm tra hải quan đối với hàng hóa Ukraina nếu Kiev quyết định ký hiệp định liên kết với EU.
Ông Glazev giải thích trong trường hợp Ukraina ký hiệp định liên kết với EU, hàng hóa từ EU sẽ được tự do lưu thông qua biên giới Ukraina mà không phải đóng thuế nhập khẩu hoặc kiểm tra vệ sinh dịch tễ. Nga lo ngại đây sẽ là kẽ hở để tái nhập hàng hóa không đạt tiêu chuẩn vào Nga và nếu dòng tái nhập khẩu này trở thành nhân tố mang tính hệ thống, thì siết chặt kiểm tra hàng hóa từ Ukraina sẽ là điều "không tránh khỏi".
Giới chức Ukraina cho biết, các biện pháp mà phía Nga đang áp dụng dẫn đến tình trạng hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Nga bị ách lại ở biên giới trong thời gian dài, gây thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD cho các nhà xuất khẩu Ukraina trong 6 tháng đầu năm nay.
Trước tình hình trên, Kiev cam kết sẽ không áp dụng bất cứ biện pháp trả đũa nào mà kiên trì theo đuổi giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại.
Thủ tướng Ukraina, Nikolai Azarov đã điện đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố loại trừ khả năng chiến tranh thương mại với Nga. Thủ tướng hai nước nhất trí sẽ tổ chức tham vấn giữa các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế-thương mại song phương trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể, Thủ tướng Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường hoạt động của Ủy ban song phương về các vấn đề hợp tác đầu tư và bảo vệ quyền của người đầu tư. Ủy ban này do đích thân hai thủ tướng chỉ đạo và sẽ giải quyết các khúc mắc gần đây theo tinh thần xây dựng, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và hai bên cùng có lợi.
Ông Azarov cho biết, Kiev sẽ nỗ lực để giải quyết những vấn đề đang gây tranh cãi với Moskva, bởi nếu xảy ra chiến tranh thương mại thực sự, lợi ích quốc gia của cả Ukraina lẫn Nga sẽ bị tổn hại nặng nề.
Trong khi đó, EU cho rằng bất kỳ đe dọa nào mà Nga áp dụng với Ukraina để gây sức ép cản trở Ukraina ký Hiệp định liên kết với EU đều là "không thể chấp nhận". EU hy vọng những vấn đề hiện nay trong lĩnh vực thương mại giữa Nga và Ukraina phải được giải quyết nhanh chóng và trên tinh thần tôn trọng nghĩa vụ của cả hai nước trước WTO.
Để ngăn chặn căng thẳng quan hệ giữa hai nước leo thang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Ucraine Viktor Yanukovich thảo luận các vấn đề liên quan tới hợp tác song phương, trong đó có việc thông quan hàng hóa tại biên giới hai nước. Ngày 20/8, Bộ Thu nhập và Thuế Ukraina tuyên bố đã đạt được sự nhất trí với Hải quan Nga không áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường đối với hàng hóa Ukraina, giải phóng ách tắc tại biên giới hai nước.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hai ông Putin và Yanukovich khó có thể "hạ nhiệt" được căng thẳng trong bối cảnh Kiev bất chấp cảnh báo của Moskva vẫn kiên trì chính sách hội nhập châu Âu, không gia nhập Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.
Nguồn Thời báo Ngân hàng