Thứ Ba | 06/11/2012 12:43

Nguồn nước - Tài sản đầu tư mới của Trung Quốc tại Nhật Bản

Các công ty Trung Quốc đang tìm cách thâu tóm những bất động sản có chứa nguồn nước của Nhật Bản với giá rẻ khi giá bất động sản giảm.
Theo các nhà phân tích, sự suy giảm trong giá bất động sản của Nhật Bản, cùng những quy định không đầy đủ và lỏng lẻo về quyền mua bán các khu vực rừng và đất đai có chứa nguồn nước chính là động lực thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc, tới thu mua nguồn nước của Nhật Bản.

Theo thống kê, một số khu vực rừng của Nhật Bản, quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không điều chỉnh quy định đầu tư bất động sản của người nước ngoài, thậm chí còn được bán với giá rẻ mạt 60 cent Mỹ/m².

Một trong những nguyên nhân chính khiến những khu rừng chứa nước của Nhật Bản trở nên hấp dẫn với giới đầu tư đó là Nhật Bản thuộc top 10% quốc gia đứng đầu về trữ lượng nước.

Trong khi đó, những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, với xu hướng nhân khẩu học trái ngược với Nhật Bản, lại có nguy cơ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng vào năm 2030, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Trong báo cáo công bố hôm 12/9, ngân hàng HSBC cũng cho biết gần một nửa nền kinh tế của Trung Quốc được đặt tại các khu vực khan hiếm nước.

Trong số các khu vực chứa nước nguồn nước của Nhật Bản, khu vực Hokkaido, hòn đảo nằm phía bắc đất nước với diện tích tương đương với nước Áo, được coi là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư, bởi lượng nước trung bình nơi đây cao gấp 3 lần các khu vực khác. Theo số liệu chính phủ, Hokkaido có 60.000 km² rừng, chiếm 1/4 tổng lượng rừng quốc gia, và cung cấp khoảng 20% lượng thực phẩm cho toàn Nhật Bản.

Cũng theo dữ liệu từ chính quyền địa phương, trong năm 2009, 90% các vụ mua bán rừng trên toàn Nhật Bản diễn ra ở Hokkaido, trong khi diện tích đất mà các nhà đầu tư nước ngoài mua ở Hokkaido cũng tăng gấp 20 lần so với 2 năm trước đó.

Trong đó, Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng các thương vụ mua bán rừng và quyền sử dụng nguồn nước ở Hokkaido, chiếm 27 trên tổng số 57 vụ mua bán. Ngoài ra, còn có Hong Kong, Singapore, người đứng đầu chương trình nghiên cứu kinh tế đất và nước cho chính quyền Hokkaido, ông Masayuki Mitobe cho biết.

Theo chính quyền địa phương, chính sự thiếu minh bạch trong luật pháp Nhật Bản đã cho phép các nhà đầu tư tự do mua đất phi nông nghiệp và báo cáo lên chính quyền sau khi giao dịch hoàn tất. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các nhà quản lý trong việc ngăn chặn những hành vi mua bán tràn lan và phi pháp. Trong tháng 4, chính quyền Hokkaido đã cho lấp lỗ hổng luật pháp này sau khi phát hiện một loạt các địa chỉ được những người mua nước ngoài sử dụng đều là giả.

Các nhà chức trách hòn đảo cũng yêu cầu bên mua báo cáo về hợp đồng mua bán 3 tháng trước khi được phê duyệt, khoảng thời gian vừa đủ để họ có thể tiến hành điều tra tính hợp pháp của các giao dịch này. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 trong tổng số 47 tỉnh thành của Nhật Bản làm được điều này.

"Rừng cùng tài nguyên nước dồi dào của Nhật Bản đang được mua đi bán lại. Một số khu rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với an ninh quốc gia, một số còn được sử dụng để bảo vệ nguồn cung cấp lương thực", thành viên hội đồng quận Hokkaido, ông Masaru Onodera cho biết.

Tình trạng thu mua ồ ạt tài nguyên nước của Nhật Bản của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về thiếu hụt nguồn cung nước trong tương lai. Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo 2/3 thế giới sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt nước vào năm 2015.

Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo việc thiếu bảo tồn và giám sát nguồn nước có thể dẫn đến xung đột về tài nguyên nước trong tương lai. Người đứng đầu công ty môi giới mua bán và sáp nhập M&A Support, ông Hokuta Okudera, cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm đến các tài sản nước của Nhật Bản nhằm mục đích biến chúng thành nguồn xuất khẩu nước đóng chai.

"Kể từ năm 2010 và đầu 2011, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý tới các tài sản có thể biến thành nguồn xuất khẩu nước đóng chai của Nhật Bản. Ở những nước như Canada và Ấn Độ, chính phủ đang thắt chặt các quy định về khai thác nước dưới lòng đất làm nước đóng chai. Nhưng ở Nhật Bản, các quy định rất lỏng lẻo và đó chính là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Okudera cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng kiểm soát nguồn nước là điều vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực cùng như an ninh quốc gia.

"Tại Nhật Bản, người ta thậm chí có thể mua đất ngay cạnh một cơ sở quân sự hoặc một sân bay, không có quy định nào chống lại điều đó. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, không thể ngăn cấm đầu tư nước ngoài, nhưng chính phủ cần đảm bảo những hoạt động đầu tư đó phải đúng quy định", nhà phân tích tại Tokyo Foundation, ông Hideki Hirano, nói.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện