Nguồn lực tài chính của Trung Quốc lớn cỡ nào?
Một thời gian dài trước khi nhân dân tệ chính thức được IMF chấp nhận đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), Trung Quốc đã thể hiện là một trong những cường quốc kinh tế trên nhiều lĩnh vực.
Dưới đây là 4 bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đối với kinh tế toàn cầu.
Dự trữ ngoại tệ
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với 3,53 nghìn tỷ USD - cao hơn tổng dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, Arab Saudi, eurozone 19, Anh và Mỹ cộng lại, theo số liệu của Bloomberg.
Nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ này có thể giúp nền kinh tế với động lực phát triển là ngành xuất khẩu "hấp thụ" các cú sốc từ bên ngoài.
Chi tiêu quân sự
Trung Quốc đang bám sát Mỹ, tranh chấp ngôi vị nước chi tiêu nhiều nhất cho quân sự. Tham vọng trên Biển Đông tăng lên trong suốt thập kỷ qua, khiến khoản tiền chi cho quân sự cũng tăng theo.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, năm 2014, Trung Quốc chi 216 tỷ USD vào quân sự - tăng 1,7 lần so với năm 2005.
Ngân sách dành cho Liên Hiệp Quốc
Quyền lực kinh tế đi kèm với trách nhiệm.
Liên Hiệp Quốc (UN) đang kêu gọi Trung Quốc tăng cường đóng góp cho hoạt động của tổ chức này. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc vào khoảng ngân sách 5,57 tỷ USD giai đoạn 2016-2018 của UN được đề xuất tăng lên 7,9% từ 5,2% giai đoạn 2012-2015.
Tỷ lệ đóng góp này sẽ đưa Trung Quốc vào nhóm 3 nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách của UN.
Nếu được chấp thuận, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nước đóng góp lớn thứ 3 cho ngân sách của UN từ vị trí thứ 6 hiện nay.
Ngân hàng xuyên Á
Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á trong năm nay như một phần trong sáng kiến tăng cường vai trò của nhân dân tệ. Ngân hàng này đã ký kết với hơn 50 nước thành viên sáng lập và có vốn điều lệ 100 tỷ USD - một nửa số này do Trung Quốc đóng góp.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg