Thứ Sáu | 04/01/2013 19:03

Người vực dậy nền tài chính Nga (phần 1)

Cựu bộ trưởng tài chính Aleksei Kudrin chịu trách nhiệm về lĩnh vực dự báo phát triển kinh tế-xã hội, lập kế hoạch tài chính công, thuế và chính sách tiền tệ.
Theo Sắc lệnh của tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 18/5/2000, Aleksei Kudrin được bổ nhiệm làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ tài chính Nga. Ông Kudrin cũng điều phối công việc của các cơ quan tài chính và chính sách kinh tế trong chính phủ.

Theo sự phân công, ông Kudrin chịu trách nhiệm trong chính phủ về các lĩnh vực: Dự báo phát triển kinh tế và xã hội, lập kế hoạch tài chính công, thuế và chính sách tiền tệ. Thuộc thẩm quyền của ông, bên cạnh việc dự báo và lập kế hoạch là các vấn đề gồm: chính sách thuế, tiến hành chính sách vốn-tiền tệ thống nhất, điều chỉnh và kiểm soát tiền tệ, đưa đồng ruble Nga trở thành một phương tiện thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng phụ trách chính sách thuế quan, phát triển và thực thi ngân sách liên bang, các mối quan hệ liên ngân quỹ và tài chính liên bang tối ưu hóa chi phí ngân sách và chống rửa tiền.

Trên cương vị bộ trưởng tài chính, ông Kudrin đề nghị và vận động hành lang nhằm giảm các loại thuế khác nhau, đặc biệt là giảm thuế thu nhập, trong đó đã thực hiện được việc bãi bỏ thuế bán hàng.

Dưới thời ông Kudrin, ngân sách bắt đầu được Duma quốc gia (hạ viện Nga) thông qua mà hầu như không có sửa đổi nào. Đồng thời, ông hầu như luôn chống lại những nỗ lực tăng chi tiêu ngân sách, và có lần còn tuyên bố nếu cần thiết sẽ giảm số lượng nhân viên nhà nước.

Trong chính phủ, Kudrin trở thành một trong những nhà tư tưởng chính của "chuyển giao" các khoản thu thuế từ các khu vực đến trung tâm. Biện luận cho lập trường của mình, ông thường nói về chênh lệch thu nhập giữa các vùng. Cuối tháng 11/2005, ông được tham gia Ủy ban chính phủ về các dự án đầu tư quốc gia. Ủy ban này được thành lập để lựa chọn các dự án được cung cấp tài chính từ Quỹ đầu tư.

Ông Aleksei Kudrin và tổng thống Putin.
Ông Aleksei Kudrin và tổng thống Putin.

Tháng 1/2006, trước khi hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại St Petersburg, Aleksei Kudrin đã thực hiện một chuyến đi Mỹ nhằm liên kết tổng thống Nga với các thành viên trong câu lạc bộ chính trị ưu tú. Tại Washington, ông nêu ra cho giới báo chí các chủ đề chính mà Nga muốn thu hút sự chú ý của các lãnh đạo G8: an ninh năng lượng (bao gồm cả cung cấp ổn định các nguồn tài nguyên năng lượng), y tế và giáo dục.

Trong khuôn khổ cuộc họp sơ bộ của các bộ trưởng tài chính các nước thành viên G8 tổ chức tại Matxcơva vào tháng 2/2006, Kudrin đã thuyết phục các đối tác nước ngoài của mình rằng, tình hình tài chính ở Nga trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể. Điều này đã được nhấn mạnh trong thông cáo cuối cùng, có chữ ký của người đứng đầu của các tổ chức tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để Moscow trả nợ trước hạn cho Câu lạc bộ các quốc gia chủ nợ Paris.

Điều này đã giúp gạt bỏ hoàn toàn những trở ngại chính cho vai trò của Nga trong Câu lạc bộ các nhà lãnh đạo thế giới. Trước đó, trong nhóm G8, Nga chỉ được tham gia thảo luận về các vấn đề chính trị, còn các vấn đề kinh tế và tài chính thì không được tham gia. Tháng 6/2006 tại St Petersburg hội nghị "G8 tài chính" lần đầu tiên, bộ trưởng Nga được tham gia đầy đủ chương trình nghị sự.

Tháng 6/2006, Kudrin trình bày trước Ủy ban của chính phủ về dự toán ngân sách, các thông số mới của ngân sách năm 2007. Ông đề xuất hạn chế tăng trưởng chi tiêu quốc gia bằng tổng mức cần thiết để thực hiện lời hứa của tổng thống (tức là chi tiêu ngân sách năm 2007 đã được tăng lên đến 600 tỷ rúp, trong khi yêu cầu cần tăng thêm 200 tỷ rúp). Ủy ban đã thông qua phương án này.

Trung tuần tháng 8/2006, Kudrin trình bày dự thảo ngân sách liên bang cho năm 2007 trước toàn thể chính phủ Nga. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm không còn là “ngân sách dầu khí” có nghĩa là, ngân sách bao gồm trong đó các khoản thu từ xuất khẩu dầu mỏ đã được giới hạn đến 2,8% GDP.

Theo Kudrin, hạn chế này cho thấy nền kinh tế Nga độc lập tương đối với xuất khẩu nguyên liệu thô. Kudrin giải thích rằng về nguyên tắc, trong các năm 2007-2009 ngân sách không thể được thực hiện mà không có nguồn thu từ dầu khí. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông, Nga đã chi tiêu quá nhiều nguồn thu từ dầu mỏ.

Về vấn đề này, một phần đáng kể doanh thu từ xuất khẩu dầu khí được bộ tài chính đề xuất triệt tiêu bớt đi, có nghĩa là sẽ được gửi vào Quỹ bình ổn (Quỹ này có ý nghĩa dự trữ và tích lũy cho các thế hệ tương lai) hoặc một loại "quỹ dầu khí" khác được thành lập đặc biệt để tích lũy các khoản thu dầu khí. Chính phủ đã phê duyệt dự thảo tài liệu này và Duma quốc gia Nga đã thông qua.

Vào cuối tháng 8/2006, ông Kudrin đệ trình trước chính phủ báo cáo "Phương pháp hình thành cân bằng tài chính phi dầu mỏ của Nga", theo đó Nga sẽ có thể dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, nếu phân phối tất cả tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt vào một quỹ riêng.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện