Diễm Quỳnh Thứ Tư | 27/12/2017 19:54

Người Việt bốn phương

Chương trình Xuân quê hương năm 2018 tại Hà Nội sẽ bao gồm nhiều hoạt động nổi bật.

Thông báo đăng ký tham dự Chương trình Xuân quê hương năm 2018

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã có Công văn số 95/UBNV-V2 về việc thông báo đăng ký tham dự Chương trình Xuân quê hương năm 2018 tại Hà Nội. Thời gian dự kiến vào ngày 7.2.2018 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Đinh Dậu) hoặc ngày 8.2.2018 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu).

Chương trình Xuân quê hương năm 2018 tại Hà Nội sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như: Lễ dâng hương và thả cá chép theo nghi lễ truyền thống, họp mặt kiều bào mừng Xuân, đặc biệt chương trình Chủ tịch nước chúc Tết kiều bào. Ban Tổ chức kỳ vọng Xuân Quê Hương năm nay sẽ thu hút được sự tham gia của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Người Việt làm Tổng thư ký Colombo

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, bà Phan Kiều Thu, đã trúng cử chức danh Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Colombo). Việc cán bộ của Việt Nam đắc cử cho thấy Kế hoạch Colombo đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các hoạt động của tổ chức này, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu rộng hơn nữa vào các hoạt động của Kế hoạch Colombo, phục vụ thiết thực cho lợi ích của ta.

Kế hoạch Colombo là sáng kiến của Anh tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước Khối Thịnh vượng chung tại Colombo, Sri Lanka tháng 1.1950 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1951. Việt Nam chính thức gửi công hàm cho Ban Thư ký xin gia nhập Kế hoạch Colombo với tư cách thành viên tạm thời và đã cử đoàn tham dự Kỳ họp thứ 237 Hội đồng kế hoạch tại Colombo tháng 11.2001. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Việt Nam tham gia là thành viên chính thức của Kế hoạch Colombo. Kể từ khi tham gia Kế hoạch Colombo, Việt Nam đã cử gần 400 cán bộ tham gia các khóa đào tạo thuộc các chương trình hợp tác của Kế hoạch Colombo như chương trình Tư vấn Phòng chống ma túy, đào tạo hành chính công, tập huấn phát triển năng lực thành phần kinh tế tư nhân, sức khỏe sinh sản, môi trường. Tại Phiên họp Đặc biệt của Hội đồng Kế hoạch Colombo từ 18-19.11.2003, các nước thành viên đã thông qua việc này và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Kế hoạch.

Từ năm 2018, Đại học Úc sẽ dạy trực tuyến tiếng Việt Nam

Theo thông báo của Đại học Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), kể từ năm 2018, ANU sẽ bắt đầu chương trình dạy trực tuyến tiếng Việt, cùng với 5 ngôn ngữ châu Á khác là Hindi, Phạn, Tetum, Thái và Tây Tạng.

Nguoi Viet bon phuong
 

Tiếng Việt được xem là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 6 tại Úc. Tiếng Việt ở Úc hiện đã được giảng dạy ở nhiều trường công, trường tư và tại gia. Tại Melbourne, hiện đã có 3 hệ thống trường dạy tiếng Việt: hệ thống các trường của chính phủ; hệ thống các trường dạy tiếng Việt vào sáng thứ Bảy được gọi là VSL (Victorian School of Languages) với trên 10 trung tâm; hệ thống các trung tâm dạy tiếng Việt của các hội đoàn và tổ chức tư nhân với hơn 11.000 học sinh tham gia học ở khoảng 30 trung tâm khắp Melbourne. Tuy nhiên, học tiếng Việt ở trường lớp chỉ phần nào giúp con em người Việt nắm được ngữ pháp. Còn muốn nói tốt buộc phải thường xuyên thực hành ở nhà hay thường xuyên tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng của người Việt.

Lớp học mới cho trẻ em người Việt ở Kampong Luong, Campuchia

Một lớp học mới ở xã Kampong Luong, huyện Krakor, tỉnh Pursat, Vương quốc Campuchia đã chính thức mở cửa đón học sinh, theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, Campuchia. Hiện nay, xã Kampong Luong có 150 em học sinh người Campuchia gốc Việt ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Việc xây dựng một lớp học mới khang trang đã đáp ứng nhu cầu học tập, đặc biệt là học tiếng Việt, cho các em nhỏ ở đây thay cho lớp học cũ nát do xây dựng từ năm 2009. Theo Tỉnh hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Pursat, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thời gian sử dụng đã lâu nên giữa năm 2015, Ban Chấp hành Tỉnh hội Việt kiều tỉnh Pursat đã vận động bà con đóng góp kinh phí để nâng cấp phần bè nổi bị sập duy trì lớp học cho các cháu.

Nguoi Viet bon phuong
 

Xã Kampong Luong có 900 hộ dân người Campuchia gốc Việt sinh sống. Bà con chủ yếu là dân nghèo, mưu sinh bằng nghề chài lưới trên Biển Hồ, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên. Tại Xã Kampong Luong nói riêng và toàn Campuchia nói chung, những năm gần đây, các lớp học tiếng Việt cho con em Việt kiều được cải thiện. Tuy nhiên, hoạt động dạy và học tiếng Việt chủ yếu do các Hội người Việt tổ chức, thông qua việc lập trường, lớp riêng cho con em học. Tuy nhiên, tại các lớp này, học sinh vẫn phải theo chương trình giáo dục của nước sở tại, đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa không đồng đều. Bên cạnh đó, kinh phí duy trì hoạt động xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài liệu, phương tiện dạy học, trả lương cho giáo viên... còn phụ thuộc vào sự đóng góp của cộng đồng. Hỗ trợ kinh phí từ trong nước cho việc dạy và học tiếng Việt chưa nhiều.

Người Việt ở Myanma tin dùng hàng hóa Việt Nam

Hội chợ hàng Việt Nam năm 2017 (Vietnamexpo 2017) đã diễn ra tại Tamadaw Hall, Yangon, Myanmar. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được cộng đồng người Việt và người tiêu dùng Myanmar yêu thích bởi chất lượng và giá cả cạnh tranh. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, hiện có khoảng 500 người Việt đang làm việc chính thức ở Myanmar. Nhưng nếu cộng thêm cả những công nhân sang đây làm việc cho các công ty bản địa, số lượng người Việt đang sống tại Myanmar có thể lên đến cả ngàn người, tập trung ở thành phố Yangon.

Nguoi Viet bon phuong
 

Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Năm nay, Hội chợ thu hút hơn 60 nhà sản xuất của Việt Nam, tham gia trưng bày tại hơn 110 gian hàng, chủ yếu tập trung vào 5 ngành hàng là thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng; thiết bị, máy móc và dược phẩm, mỹ phẩm. Theo Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, Hội chợ là sự kiện mang lại những đóng góp thiết thực vào tăng trưởng thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar. Xuất khẩu của Việt Nam vào Myanmar trong năm 2016 tăng 22% so với năm 2015 và trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Myanmar