Người Việt bốn phương
Công tác kiều dân năm 2018: Tạo thuận lợi cho người Việt tại Lào
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang xây dựng Chương trình hợp tác, trao đổi về công tác kiều dân năm 2018, theo ông Ngô Trịnh Hà, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp của Ủy ban này.
Chính phủ và nhân dân Lào nhiều năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã tạo lập cuộc sống ổn định cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm ăn tại đây. Chương trình hợp tác, trao đổi về công tác kiều dân năm 2018 được xây dựng với mong muốn Chính phủ và nhân dân Lào tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn trong việc nhập quốc tịch, thành lập các tổ chức hội đoàn của người Việt và mở rộng công tác giảng dạy tiếng Việt tại Lào.
Công tác kiều dân cũng là một trong những nội dung chính nêu trong Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban Liên lạc người gốc Lào ở nước ngoài hồi tháng 9. Hai bên đã nhất trí về nội dung hợp tác trong năm 2018 sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp.
Việt Nam cần sự đóng góp của doanh nghiệp người Việt tại Mỹ
Diễn đàn “Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam” được Bộ Ngoại giao tổ chức tại Mỹ, với mục đích tăng cường kết nối, phát huy thế mạnh của cộng đồng startup công nghệ người Việt tại Mỹ, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công với các startup Việt Nam. Diễn đàn cũng tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm thông tin phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là phong trào mà phải đi vào thực chất.
Nhiều năm qua, TP.HCM đã trở thành địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các mô hình vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao... và đang phấn đấu trở thành thành phố sáng tạo, đô thị thông minh trong tương lai. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, quá trình phát triển của Việt Nam và của TP.HCM rất cần sự đóng góp của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam.
7 tham luận đã được trình bày cùng 3 phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn cho thấy rõ hơn xu hướng đầu tư của startup tại Mỹ, cũng như kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ startup của Chính phủ nước này. Theo các diễn giả, Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia khởi nghiệp, đặc biệt với nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ trong khu vực, sự quan tâm của Chính phủ trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ startup và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng minh bạch, thuận lợi. Thế nhưng, Việt Nam cần tranh thủ những cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại và xu hướng các nguồn vốn đầu tư cho công nghệ đang được dịch chuyển sang khu vực châu Á để trở thành một trung tâm công nghệ cuả khu vực.
Tín ngưỡng Thờ Mẫu của Việt Nam đến nước Nga
Những giá trị đích thực của tín ngưỡng Thờ Mẫu đã được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế ở Liên bang Nga và cộng đồng người Việt tại đây, nhằm giới thiệu, tôn vinh di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam, tôn thờ Mẹ, tôn vinh đấng sinh thành, đó là vai trò của người phụ nữ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần chủ đạo của Đạo Mẫu Tam, Tứ phủ. Đạo Mẫu chứa đựng những giá trị lịch sử truyền thống, đạo đức, xã hội, nghệ thuật và văn hóa sâu sắc. Ngay sau khi Văn hóa Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào ngày 1.12.2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phát động Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Đoàn nghệ nhân Thanh đồng giới thiệu về cội nguồn của Văn hóa Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt từ ngàn xưa, về hình thức hầu đồng - một nghi lễ quan trọng nhất của Đạo mẫu. Theo bà Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, tín ngưỡng Thờ Mẫu đã được nhà nước Việt Nam tôn vinh và thế giới đánh giá cao. Do đó, việc giới thiệu tín ngưỡng Thờ Mẫu đến người dân nước Nga và cộng đồng người Việt tại Nga là hết sức quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Nga đánh giá cao mục đích chuyến đi lần này của Trung tâm.
2 nhiếp ảnh gia Việt nhận giải Quốc tế Orhan Holding
Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa đón nhận thông tin vui, 2 nhiếp ảnh gia Việt Nam là Thân Nguyên (Đà Nẵng) và Đỗ Thành Nhân (Tây Ninh) đã vinh dự nhận giải thưởng của cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế Orhan Holding lần thứ 13 với sự bảo trợ của Hiệp hội Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) và tài trợ của Hiệp hội Nghệ thuật Nhiếp ảnh Thổ Nhĩ Kỳ và do Tập đoàn Orhan. Cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế Orhan Holding, một cuộc thi uy tín, tổ chức lần đầu từ năm 1998, gần đây đã thu hút sự tham dự của các nhiếp ảnh gia Việt Nam và một số tác giả Việt Nam đã vinh dự đạt giải cao và có ảnh triển lãm tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban tổ chức sau nhiều vòng tuyển lựa đã chọn ra 57 bức ảnh đạt giải và triển lãm từ các nước Ấn Độ, Nga, Hungary, Hàn Quốc, Ucraina, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Việt Nam, Malaysia... Trong đó, 2 nhiếp ảnh gia của Việt Nam là Thân Nguyên đạt 2 giải (giải bạc của FIAP thể loại ảnh màu với bức ảnh “Sự phụ thuộc 04” và giải ghi nhận của FIAP thể loại ảnh đen trắng với bức ảnh “Ôm ông nội”) và Đỗ Thành Nhân đạt giải triển lãm thể loại ảnh màu với bức ảnh “Tia lửa từ động cơ hơi nước” trong khi Giải vàng thể loại ảnh màu được trao cho tác giả người Bangladesh và giải cao nhất của cuộc thi - Giải tác giả xuất sắc nhất của FIAP năm nay được trao cho một nhiếp ảnh gia người Ấn Độ. Các bức ảnh đạt giải sẽ được mang đi triển lãm thành 3 đợt tại các trung tâm triển lãm nghệ thuật lớn của Bursa và Istanbul trong thời gian từ 18.12.2017 đến 3.3.2018