Sau ba năm bị hạn chế bởi COVID-19, niềm khao khát du lịch là một điều dễ hiểu, nhưng đằng sau đó là một động cơ khác. Ảnh: Getty Images.

 
Bảo Hân Thứ Hai | 27/02/2023 11:25

Người Trung Quốc đi du lịch không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn để đầu tư

Hàng tỉ USD đang "tháo chạy" khỏi Trung Quốc dưới vỏ bọc mang tên "nghỉ lễ".

Du lịch đường sắt sang Lào, chu du đến nước Nga xa xôi để ngắm cực quang hay ngồi thuyền tham quan Bắc Cực, là một số lựa chọn du lịch đang được chào bán trên thị trường Trung Quốc khi đất nước này mở cửa trở lại. 

Theo Công ty Du lịch Ctrip, nhu cầu đi du lịch của Trung Quốc hiện rất mạnh, chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng khách tìm hiểu các tour du lịch đã tăng gấp 4 lần; ngày càng nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài hơn. Tại Macau, một “kinh đô” cờ bạc, hai trong số những khách sạn sang trọng nhất đã kín chỗ trong tháng này. Theo Ngân hàng Natixis, chi tiêu cho du lịch của Trung Quốc có thể tăng thêm 160 tỉ USD trong năm nay.

 

Sau 3 năm bị hạn chế bởi COVID-19, niềm khao khát du lịch là điều dễ hiểu, nhưng đằng sau đó là một động cơ khác: chuyển tiền ra khỏi quốc gia họ sinh sống. Các biện pháp kiểm soát vốn của chính quyền đang hạn chế lượng ngoại tệ mà công dân Trung Quốc có thể mua, vì thế việc qua lại giữa biên giới cũng được xem là vỏ bọc cho dòng chảy của tiền. Chẳng hạn như vào năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã tố giác một người đến từ Thiên Tân, nắm giữ 39 thẻ ngân hàng và rút hơn 1,8 triệu USD “dưới danh nghĩa du học sinh”.

Vào thời điểm đó, nhà kinh tế Anna Wong, đang làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã xuất bản một bài báo, tính toán xem có bao nhiêu tiền đã bị rò rỉ ra khỏi Trung Quốc theo con đường này. 

Thu thập thông tin từ 20 điểm đến phổ biến, bao gồm số lượng giao dịch, số lượng du khách và khảo sát về số tiền trung bình mà một du khách Trung Quốc chi tiêu, bà Wong đã có thể so sánh được báo cáo chi tiêu tại nước ngoài của Trung Quốc và bức tranh đối lập: báo cáo chi tiêu trong nước bởi các quốc gia đón du khách Trung. 

Theo lý thuyết thì 2 báo cáo này phải khớp với nhau. Tuy nhiên, từ năm 2014, đã có một sự chênh lệch lớn, đến năm 2015, khoảng cách đó đã đạt 100 tỉ USD, tương đương 1% GDP của Trung Quốc. Khi so sánh báo cáo chi tiêu du lịch của Trung Quốc và mức dự đoán của một mô hình kinh tế, dựa trên các yếu tố như GDP của các quốc gia điểm đến, khoảng cách với Trung Quốc và quy mô nền kinh tế Trung Quốc, thì bà Wong cũng thu được kết quả chênh lệch tương tự.

 

Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách đã thắt chặt việc kiểm soát vốn của đất nước và xem xét kỹ lưỡng hơn các giao dịch. Họ cũng đã sửa đổi dữ liệu trong quá khứ, loại bỏ một số giao dịch tài chính bất hợp pháp khỏi số liệu về chi tiêu du lịch. Nhưng có những sự chêch lệch không thể xóa bỏ được. Số liệu của riêng Trung Quốc về chi tiêu du lịch vẫn vượt quá số liệu thu được từ các quốc gia điểm đến và các nguồn toàn cầu. Trong một báo cáo được công bố vào ngày 14/2, Natixis ước tính rằng khoảng cách chênh lệch là gần 68 tỉ USD vào năm 2020 (khoảng 0,5% GDP của Trung Quốc), mặc dù hoạt động đi lại giảm mạnh.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, cơ hội lách luật kiểm soát vốn sẽ tăng lên. Tuy nhân dân tệ đang ổn định và tăng trưởng trong năm nay có vẻ sẽ mạnh mẽ, nhưng các hộ gia đình Trung Quốc cũng đã tích lũy một khoản tiền lớn chờ để chi tiêu trong đại dịch. Thị trường bất động sản, từng là một “bến đỗ” ưa thích cho sự giàu có của đất nước, vẫn còn đang hấp hối. Do đó, nhiều người Trung Quốc muốn đa dạng hóa tài sản của mình, họ đi du lịch không chỉ để mở rộng tầm nhìn mà còn muốn mở rộng danh mục đầu tư.

Có thể bạn quan tâm: 

Đừng trông chờ vào Trung Quốc để cứu nền kinh tế thế giới

Nguồn The Economist