Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào nguồn tăng trưởng từ chi tiêu nội địa của 1,4 tỉ dân. Ảnh: The Economist.
Người tiêu dùng Trung Quốc có thể cứu nền kinh tế của mình?
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã tích lũy thặng dư thương mại tới 34 lần trong bối cảnh tổng chi tiêu của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ cũng không đủ để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mà quốc gia này sản xuất, dẫn đến tình trạng thặng dư xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giảm phát kéo dài nhất kể từ khủng hoảng châu Á cách đây hơn 25 năm. Sự sụt giảm kinh tế này đã gây thiệt hại lớn lên đến 2.000 tỉ USD cho các nhà đầu tư.
Triển vọng tăng trưởng tiêu dùng
Trước tình trạng này, giới chuyên gia cho biết, Trung Quốc có thể sẽ không còn có động lực tăng trưởng mang tính tin cậy như trong những thập kỷ trước. Sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã chấm dứt, thậm chí đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Cơ sở hạ tầng cũng hạ nhiệt, khi các chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư. Không chỉ vậy, xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các quốc gia phương Tây.
Do đó, Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào nguồn tăng trưởng từ chi tiêu nội địa của 1,4 tỉ dân. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, rằng thị trường Trung Quốc với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Một báo cáo mới từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng chỉ ra, rằng tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
Mặc dù việc thúc đẩy tiêu dùng là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện tại, nhưng khó khăn nằm ở thói quen ưa chuộng tiết kiệm hơn là chi tiêu của người dân. Theo Statista, tỉ lệ tiêu dùng nội địa năm 2020 chiếm 53% GDP Trung Quốc trong khi trên thế giới chỉ là 72%. Có nghĩa là Trung Quốc đứng thứ 156 trên 168 quốc gia về tỉ lệ tiêu dùng. Điều này dẫn đến một sự mất cân đối rõ ràng trong đóng góp của Trung Quốc cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo nhà kinh tế Michael Pettis, Trung Quốc chiếm 32% tổng số vốn đầu tư toàn cầu và 18% GDP, nhưng chỉ chiếm 13% tổng số tiêu dùng. Thậm chí so với các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, mức tiêu dùng của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% mỗi người vào năm 2022, mặc dù sản xuất của nước này lại cao hơn khoảng 40%.
Năm 2023 đã cho thấy, một vài dấu hiệu phục hồi, khi các hạn chế trong thời kỳ đại dịch COVID-19 kết thúc, cho phép mọi người tiêu dùng chi tiêu trở lại. Kết quả là tiêu dùng chiếm hơn 80% mức tăng trưởng kinh tế, mức cao nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng cho một bước chuyển mới vẫn còn mờ nhạt.
Ngay cả khi Trung Quốc vượt qua tình trạng giảm phát trong năm nay, việc chuyển hướng sang tăng trưởng tiêu dùng dài hạn vẫn đối diện với những thách thức đáng kể. Theo ông Pettis, để Trung Quốc đạt được sự cân bằng kinh tế mong muốn, tiêu dùng phải tăng thêm khoảng 10% so với GDP hiện tại. Điều đáng nói là chỉ có 11% trường hợp tiêu thụ tăng hơn 10% trong một thập kỷ, theo nghiên cứu của The Economist trên 181 quốc gia từ năm 1960. Song, một số trường hợp như Albania những năm 1990 hay Đài Loan năm 1986 lại không bền vững.
Lựa chọn phù hợp
Thực tế, Trung Quốc đã lên kế hoạch tái cân bằng kinh tế theo hướng tăng cường tiêu dùng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trong gần 20 năm kể từ cuộc họp kinh tế cuối năm 2004. Lúc đó, tỉ lệ tiêu dùng trong GDP là khoảng 55%, tương tự như hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện tái cân bằng không hề dễ dàng.
Dẫu vậy, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải sớm tìm ra giải pháp. Giới chuyên gia cho rằng, một trong những lựa chọn khả quan là thúc đẩy một nền văn hoá tiêu dùng mới. Phát biểu tại WEF 2024, Thủ tướng Trung Quốc đã hàm ý về việc mở rộng thị trường và nâng cấp tiêu dùng thông quan các mặt hàng như ô tô điện, nhà thông minh và dịch vụ lối sống xanh. Song, sự thay đổi thói quen xã hội có thể gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc làm cho người dân cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chính, từ đó giảm hành vi tiết kiệm và chi tiêu nhiều hơn. Do đó, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lương hưu là một phần quan trọng để đạt được mục tiêu.
Theo ông Cai Fang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, việc cấp phép hộ khẩu cho người lao động nhập cư tại thành thị có thể tăng chi tiêu của họ lên tới 30%, mặc dù có những tranh cãi về con số này. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô cho thấy, những người di cư từ nông thôn có hộ khẩu thành thị chi tiêu nhiều như cư dân thành phố bản địa, nhưng mức độ chi tiêu rõ ràng hơn.
Sự kết thúc của bong bóng bất động sản cũng có thể giải phóng nguồn lực tiêu dùng. Theo ước tính sơ bộ của ngân hàng Goldman Sachs, chi phí tiết kiệm cho việc trả trước và trả lãi suất cho vay sẽ giảm xuống còn 11% so với thu nhập khả dụng của người dân thành phố vào năm 2021. Con số này có thể giảm xuống khoảng 6% trong một thập kỷ.
Hiện tại, phương pháp tiếp cận cải cách hộ khẩu của Trung Quốc vẫn đang tỏ ra rụt rè và manh mún, khiến cho việc đạt được bất kỳ lợi ích nào từ việc xoay trục nhà ở trở nên mất cả nhiều năm mới có thể thực hiện được. Điều này dẫn đến việc có rất ít dấu hiệu về một cuộc cải cách phúc lợi toàn diện. Mặc dù tiêu dùng có thể sẽ tăng lên đáng kể trong tỉ trọng của GDP, do sự gia tăng của một nhóm lớn người lao động đã về hưu và tiếp tục chi tiêu, nhưng đồng thời cũng dẫn đến việc sản xuất ngừng lại. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng lực cản nhân khẩu học liên quan đến vấn đề này hầu như không mang tính chất tích cực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
Già hóa dân số ở Singapore thúc đẩy nền “kinh tế bạc” phát triển
Nguồn The Economist