Các thương hiệu Mỹ tại Indonesia và Malaysia chứng kiến doanh thu giảm trong năm 2023. Ảnh: CNN.

 
Hoàng Huyền Thứ Ba | 26/03/2024 16:26

Người tiêu dùng Indonesia và Malaysia mất lòng tin các thương hiệu Mỹ

Các thương hiệu đa quốc gia của Mỹ đang hứng chịu làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Indonesia và Malaysia do xung đột giữa Israel và Hamas.

Theo chia sẻ của Raisa Pinadia, nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Tangerang, ngoại ô Jakarta, đã tránh việc sử dụng hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ Unilever, Danone, bởi các thương hiệu phương Tây này đã công khai ủng hộ Isreal.

Một nhà nhượng quyền quốc tế của chuỗi cửa hàng pizza Domino's cho biết, khách hàng ở Malaysia đang quay lưng với thương hiệu này vì họ liên kết nguồn gốc từ Mỹ với sự ủng hộ dành cho Israel.

Các cuộc tẩy chay liên quan đến cuộc xâm lược Gaza của Israel đang gây thiệt hại cho doanh số bán hàng. Ông Fernando Fernandez, Giám đốc Tài chính của Unilever, cho biết: “Tại Indonesia, chúng tôi chứng kiến doanh số bán hàng giảm 2 con số trong quý IV”.

Theo số liệu tăng trưởng doanh số bán hàng trong quý IV/2023 của McDonald's được công bố vào ngày 5/2, đã tăng 0,7%, giảm mạnh so với mức tăng 16,5% cùng kỳ năm 2022.

Berjaya Food, Chủ sở hữu nhượng quyền chính của chuỗi cà phê Starbucks tại Malaysia, báo cáo doanh thu giảm 38,2% xuống 182,55 triệu ringgit (tương đương 38,7 triệu USD) trong quý IV/2023.

Doanh thu chuỗi cà phê Starbucks tại Malaysia giảm 38,2% trong quý IV/2023. Ảnh: CNN
Doanh thu chuỗi cà phê Starbucks tại Malaysia giảm 38,2% trong quý IV/2023. Ảnh: CNN.

Không chỉ các tập đoàn lớn đang bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cảm nhận được tác động từ sự tức giận của người tiêu dùng. Bà Neneng Suria, Chủ cửa hàng tạp hóa có trụ sở tại Bogor, ngoại ô Jakarta, cho biết sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại cửa hàng là nước đóng chai Aqua của thương hiệu Danone, giảm khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng trong tháng 12.

Tuy nhiên, các tập đoàn quốc gia vẫn đang cố gắng phủ nhận việc họ ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc xung đột diễn ra tại Dải Gaza. Starbucks đang tìm cách phục hồi nhu cầu bằng cách đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi có mục tiêu hơn và giới thiệu đồ uống mới.

Starbucks Malaysia tái khằng định các cửa hàng nhượng quyền thương mại ở địa phương “hoàn toàn thuộc sở hữu của một công ty niêm yết đại chúng của Malaysia” là Berjaya Food. Công ty cũng nhấn mạnh rằng đã “liên tục chứng minh cam kết” với người tiêu dùng Malaysia trong hơn 25 năm qua.

Họ cũng khẳng định: “Chúng tôi lên án bạo lực, thiệt hại về sinh mạng vô tôi cũng như lời nói căm thù. Bất chấp những tuyên bố sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi không có chương trình nghị sự chính trị. Chúng tôi không sử dụng lợi nhuận của mình để tài trợ cho bất kỳ hoạt động chính phủ hoặc quân sự nào ở bất kỳ đâu - và không bao giờ làm như vậy”.  

Ông Vincent Tan, Nhà sáng lập Berjaya Food, đang kêu gọi chấm dứt tẩy chay, nhấn mạnh quyền sở hữu địa phương và nhân sự của Starbucks Malaysia. Về phía Unilever Indonesia, họ đã thể hiện sự quan ngại về các cuộc xung đột tại Trung Đông và khẳng định sự đóng góp của họ nhằm phục vụ cho tất cả người tiêu dùng ở Indonesia trong 90 năm. Đại diện của Danone tại Indonesia lên tiếng khẳng định Donane không hoạt động ở Israel và không có bất kỳ nhà máy nào ở đó.