Người châu Âu tiết kiệm nhiều hơn vì họ vẫn lo lắng về tương lai. Ảnh: FT.
Người tiêu dùng châu Âu thắt chặt hầu bao hơn sau đại dịch
Theo dữ liệu mới công bố, các hộ gia đình châu Âu đang tiết kiệm với tỉ lệ cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch, cho thấy một sự khác biệt rõ rệt so với người tiêu dùng Mỹ, những người đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Tỉ lệ tiết kiệm đã tăng vọt ở cả hai bờ Đại Tây Dương trong thời gian đại dịch do người tiêu dùng buộc phải ở nhà. Tuy nhiên, trong khi người Mỹ đã quay lại chi tiêu mạnh mẽ, người châu Âu vẫn cảm thấy bất an về kinh tế, đặc biệt là sau căng thẳng Nga-Ukraine.
Theo số liệu do Eurostat công bố, tỉ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình trong khu vực đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm qua, đạt 15,7% trong quý II, cao hơn đáng kể so với mức trung bình trước đại dịch là 12,3%.
Dù không thể so sánh trực tiếp các chỉ số, nhưng tại Mỹ, xu hướng lại khác biệt đáng kể, khi tỉ lệ tiết kiệm cá nhân chỉ đạt 5,2% trong quý II, thấp hơn mức trung bình 6,1% trong giai đoạn 2010-2019. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
“Việc người Mỹ tiết kiệm ít hơn đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, yếu tố then chốt giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn so với châu Âu. Người tiêu dùng Mỹ đang là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu”, ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế của Moody's Analytics, nhận định.
Dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy GDP của Mỹ dự kiến tăng 2,6% trong năm nay, nhờ chi tiêu mạnh mẽ của các hộ gia đình, trong khi khu vực đồng euro chỉ tăng 0,7% và 1,1% ở Anh.
Một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh kinh tế của Mỹ là việc nước này đã tạo thêm 254.000 việc làm trong tháng 9, vượt qua dự đoán của các nhà phân tích.
Ông Zandi cho biết, thị trường chứng khoán sôi động và giá bất động sản cao đã giúp gia tăng tài sản của các hộ gia đình Mỹ. Trong khi đó, tại châu Âu, tỉ lệ sở hữu cổ phiếu thấp hơn nên không được hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu tăng. Ngoài ra, các khoản thế chấp ngắn hạn khiến các chủ nhà ở châu Âu phải tiết kiệm nhiều hơn để đối phó với lãi suất vay cao hơn, trong khi nhiều chủ nhà Mỹ vẫn đang tận hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục với các khoản vay thế chấp cố định từ 15 đến 30 năm.
"Nền tảng tài chính của các hộ gia đình Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều, giúp họ tự tin duy trì mức tiết kiệm thấp. Người tiêu dùng châu Âu thì thận trọng hơn, trong khi người Mỹ lại cảm thấy thoải mái hơn với việc chi tiêu”, ông Nathan Sheets, Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Citi, nhận định.
Người tiêu dùng Anh cũng thể hiện sự thận trọng. Tỉ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Anh trong quý II đạt 10%, mức cao nhất trong ba năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 7,5% của giai đoạn 2010-2019, theo dữ liệu công bố gần đây.
Ông Simon MacAdam, Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết các khoản tiết kiệm tích lũy của hộ gia đình châu Âu trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19 đang dần cạn kiệt. Ông cũng lưu ý rằng các hộ gia đình châu Âu đang đầu tư nhiều hơn vào bất động sản, đẩy tỉ lệ tiết kiệm của khu vực đồng euro lên cao hơn. Mặc dù tiền lương tăng, nhưng vẫn chưa đủ để cải thiện niềm tin và kích thích chi tiêu.
Xung đột leo thang tại Trung Đông có thể khiến người châu Âu lo ngại hơn, do khu vực phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông so với Mỹ. Điều này làm tăng thêm sự bất an, nhất là khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với suy thoái.
“Người châu Âu tiết kiệm nhiều hơn vì họ vẫn lo lắng về tương lai, khi chiến tranh cận kề và nền kinh tế Đức đang chững lại. Tâm lý này đã thay đổi theo hướng tiêu cực”, ông Samy Chaar, Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Lombard Odier, cho biết.
Các Chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng dữ liệu về tỉ lệ tiết kiệm rất khó dự đoán chính xác, do đây là chênh lệch giữa thu nhập và tiêu dùng, và thường phải điều chỉnh lại.
OECD dự báo tỉ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Đức và khu vực đồng euro sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình trước đại dịch và cao hơn so với Mỹ ít nhất đến năm sau. Tổ chức này cũng dự báo tỉ lệ tiết kiệm ở Anh sẽ duy trì cao hơn trước đại dịch cho đến năm 2025.
Có thể bạn quan tâm:
Kinh tế Hàn Quốc thay đổi nhờ thế hệ cao tuổi?
Nguồn FT