Người phụ nữ cứu kinh tế Nga từ vực thẳm
Ngày 16/12/2014 - vốn được giới thương nhân Nga gọi là Ngày Thứ 3 đen tối, nỗi hoảng sợ đã lan đến cả ngân hàng trung ương (NHTW) Nga khi ruble tiếp tục trượt giá tự do.
Trong khi một quan chức NHTW gợi ý nên can thiệp vào thị trường thì bà Elvira Nabiullina lại bác bỏ ý kiến này và cho rằng, nguyên nhân chính khiến ruble lao dốc tự do là giới đầu tư tiền tệ. Kết quả là, bà Nabiullina quyết định nâng lãi suất khẩn cấp lên kỷ lục 17% - một động thái gây sốc đối với cả thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, quyết định táo bạo của bà Nabiullina lại có kết quả ngoài mong đợi. Bất chấp tác động từ loạt đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Từ sau khi xuống thấp kỷ lục vào ngày Thứ 3 đen tối đến nay, ruble đã tăng 19% so với USD và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong khối thị trường mới nổi.
Điều này đồng nghĩa với việc bà Nabiullina không cần tiếp tục lãng phí kho dự trữ ngoại hối để cứu ruble.
Sau chiến thắng này, NHTW Nga lại phải gánh vác thêm trách nhiệm phục hồi nền kinh tế. Hiện nay, kinh tế Nga vẫn phải đối mặt với rủi ro suy thoái do giá dầu vẫn ở mức thấp và hệ thống ngân hàng bị thiệt hại nặng nề. Dù vậy nhưng ít nhất, kinh tế Nga cũng đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất như tuyên bố của Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov trong tuần trước.
Trên danh nghĩa, NHTW Nga hoạt động độc lập nhưng theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Vladimir Putin mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho các quyết định của NHTW.
Bà Nabiullina trở thành Thống đốc NHTW Nga từ năm 2013 sau khi từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Kinh tế Nga và cố vấn Tổng thống. |
Tuy nhiên thực tế cho thấy, tiếng nói của bà Nabiullina vẫn tạo được ảnh hưởng với ông Putin. Ông Putin thường xuyên gọi đến đường dây nóng của NHTW để thảo luận các chiến lược với bà Nabiullina, nguồn thạo tin cho biết.
Nhớ lại thời điểm khi ông Putin bị thúc giục áp dụng biện pháp kiểm soát vốn, bà Nabiullina là người đã lên tiếng phản đối và đưa ra gợi ý thả nổi đồng ruble, theo các nguồn tin thân cận. Kết quả là, ông Putin chấp thuận lời khuyên của vị Thống đốc và để bà lên kế hoạch chi tiết.
Rair Simonyan - Chủ tịch UBS chi nhánh tại Nga cho rằng, đó là một khoảnh khắc lịch sử. Nếu áp dụng biện pháp kiểm soát vốn, Nga có thể sẽ rơi vào thế bị cô lập về kinh tế.
Sang đầu năm 2015 khi giá dầu dần ổn định và nguy cơ bị tăng cường trừng phạt không còn, bà Nabiullina lại khiến thị trường bất ngờ khi hạ lãi suất cơ bản xuống còn 15% trong tháng 1 và 14% trong tháng 3 bất chấp sự phản đối từ cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Herman Gref.
Thậm chí sau khi ông Putin công khai chỉ trích NHTW vì lề mề trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, bà Nabiullina đã quyết định thay thế trưởng ban hoạch định chính sách của ngân hàng. Động thái này rất được giới chuyên gia phân tích ủng hộ.
Theo Bloomberg, những quyết định của bà Nabiullina rõ ràng là một trong những canh bạc tài chính lớn nhất của ông Putin trong 15 năm lên nắm quyền.
Tuy nhiên không phải ai cũng đánh giá cao những nỗ lực của bà Nabiullina. Theo trưởng ban chính sách tiền tệ Pavel Trunin tại Viện nghiên cứu Gaidar (Moscow), những quyết định của bà Nabiullina chỉ là mang tính phản ứng lại những biến động trên thị trường chứ không phải là chủ động dẫn dắt thị trường. Quyết định thả nổi ruble cũng chỉ là một quyết định quá muộn màng.
Hiện nay, giới chuyên gia ngày càng đánh giá cao về cách xử lý của NHTW Nga trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Theo khảo sát của Bloomberg trên 29 chuyên gia kinh tế, 31% đều có những nhận định tích cực hơn về chính sách tiền tệ hiện nay so với 6 tháng trước đó.
Thậm chí ngay cả ông Putin cũng khẳng định rằng, những chính sách của bà Nabiullina là vừa đủ. NHTW không phải là đơn vị duy nhất phải chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế hiện nay.
Nguồn DVO/ Bloomberg