Người Nga đối phó với đồng ruble mất giá
Đồng ruble mất hơn 30% giá trị kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine gây căng thẳng trừng phạt giữa Nga và phương Tây.
Để hạn chế ảnh hưởng của việc nội tệ mất giá hơn nữa, nhiều người dân Nga đã đổ xô mua sắm các mặt hàng thiết yếu khi chúng còn chưa quá đắt đỏ.
“Người dân bắt đầu tiêu tiền, mua quà cho các dịp lễ sớm hơn. Họ cũng đổ tới các cửa hàng kinh doanh điện tử nhưng lần này là với mục đích mua rõ ràng hơn”, Lyudmilla Semushkina, người phát ngôn của Tập đoàn bán lẻ Inventive với 270 cửa hàng trên khắp nước Nga chuyên kinh doanh các sản phẩm ngoại như Apple, Sony, Lego.
Olga Slobodskaya, một luật sư tại St. Petersburg cho biết cô vừa mua một chiếc laptop mới của Apple. Nếu theo tỷ giá trước kia, giá sản phẩm Apple tại Nga đắt hơn 30% so với ở Mỹ nhưng đến nay, thậm chí còn đắt đỏ hơn.
Watcom, một cơ quan khảo sát giao thông tại Nga cho biết, số lượt người tới các khu mua sắm của Nga tăng vọt trong khoảng thời gian ruble xuống thấp kỷ lục 48 ruble/USD từ 31 ruble/USD hồi đầu năm. Hiện tượng này bắt đầu từ tháng 9, sớm hơn so với các năm trước và tương đối ổn định. Các nhà bán lẻ cho biết, hoạt động mua sắm cũng sôi động hơn ở các thành phố lớn như Matxcơva và St. Petersburg – nơi mà dân cư giàu có hơn.
Trong khi đó, doanh số các mặt hàng xa xỉ cũng giảm mạnh. Trong đó, doanh số bán xe hơi giảm khoảng 10% trong tháng 10, mặc dù đây vẫn là mức giảm ít nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Đại diện của hãng bán lẻ M-Video thì cho rằng, thời điểm này, người dân vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các mặt hàng gia dụng, rất ít người có thể đầu tư cho bất động sản hay gửi tiết kiệm. Những người giàu có cũng chuyển hướng gửi tiền tiết kiệm sang USD hoặc euro thay vì ruble.
Nhiều nhà bán lẻ và chuyên gia kinh tế cho rằng, đến năm sau, cả đến xu hướng tăng mạnh mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu cũng không thể duy trì khi kinh tế Nga ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới chuyên gia dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay và rơi vào suy thoái sâu năm 2015. Ngân hàng trung ương Nga trong tuần này đã thả nổi tỷ giá, nghĩa là sẵn sàng để ruble giảm giá hơn nữa nếu tình hình kinh tế xấu đi.
Nguồn Theo DVO/WSJ