Thực tế, người Mỹ ngày càng cảm thấy lo ngại về sự gia tăng giá trị tài sản của giới tỉ phú và những tác động lan tỏa từ đó. Ảnh: Fortune.

 
Khánh Tú Thứ Ba | 27/08/2024 18:02

Người Mỹ đang mất dần niềm tin vào giới tỉ phú

Nhiều người Mỹ ngày càng hoài nghi về giá trị thực sự của những tỉ phú và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm xã hội lớn hơn.

Dù là ông Bill Gates hay Elon Musk, người Mỹ đang dần mất đi niềm tin đối với giới tỉ phú. Trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng, nhiều người Mỹ không còn tin tưởng vào giá trị thực sự của những người giàu có. Theo một khảo sát mới đây của Harris Poll với hơn 2.100 người trưởng thành tại Mỹ, khi tài chính của các hộ gia đình giàu có ngày càng phình to, sự chỉ trích đối với những người tích trữ tài sản cũng ngày càng gia tăng.

“Kết quả khảo sát này cho thấy một xã hội vừa ngưỡng mộ sự giàu có nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự trách nhiệm và công bằng lớn hơn. Mặc dù nước Mỹ luôn bị mê hoặc bởi những câu chuyện làm giàu chỉ sau một đêm, nhưng sự hào nhoáng đó đã giảm đi khi bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng”, bà Libby Rodney, Giám đốc Chiến lược tại Harris Poll, cho biết.

Thực tế, người Mỹ ngày càng cảm thấy lo ngại về sự gia tăng giá trị tài sản của giới tỉ phú và những tác động lan tỏa từ đó. Hơn một nửa người Mỹ (59%) tin rằng những người lắm tiền đang tạo ra một xã hội không công bằng. Và thực tế này đang diễn ra ngay trước mắt họ, khi có đến 71% người Mỹ coi bất bình đẳng giàu nghèo là một vấn đề quốc gia mang tính nghiêm trọng, nhất là đối với người da màu và người gốc Tây Ban Nha.

Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam cho thấy giá trị tài sản ròng của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng tới 114% kể từ năm 2020. Tính riêng tại Mỹ, tổng tài sản của các tỉ phú đã tăng thêm 1,6 nghìn tỉ USD so với thời điểm đầu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy không phải ai cũng được hưởng lợi. Trong khi tỉ lệ tài sản do 1% người giàu nhất nắm giữ đã tăng thêm 1/3 kể từ năm 1990, tỉ lệ tài sản của 50% người nghèo nhất đã giảm khoảng 1/4. 

“Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người nhận thức được tình trạng đáng lo ngại này. Giàu có quá mức và nghèo khó kéo dài là hai mặt của đồng xu, do đó không có gì lạ khi ngày càng có nhiều người nhận ra điều này”, bà Rebecca Riddell, Trưởng nhóm chính sách công bằng kinh tế và chủng tộc tại Oxfam Mỹ, cho biết.

Hơn nữa, phần lớn người tham gia khảo sát của Harris Poll (58%) đổ lỗi cho rằng những người giàu có đã đẩy nhanh tốc độ lạm phát. Khoảng 62% đồng ý rằng nước Mỹ đã trở thành “sân sau” cho những người lắm tiền. Dù nhiều người Mỹ không ủng hộ việc giới hạn tài sản (46%), nhưng số người đề xuất đánh thuế giới giàu có còn nhiều hơn (69%). Những người trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đang dẫn đầu phong trào này, với 80% ủng hộ việc đánh thuế giới giàu có.

Dẫu vậy, nhiều người Mỹ vẫn giữ quan điểm phức tạp và thậm chí mâu thuẫn về giới tỉ phú. Nói cách khác, dù ngày càng mất niềm tin vào giới giàu có, người Mỹ vẫn chưa thể quyết định cách nhìn nhận họ. Một số cho rằng tỉ phú có lợi cho nền kinh tế (61%) và xã hội (62%). Điều này phần nào mâu thuẫn với quan điểm trước đó rằng những cá nhân có giá trị tài sản cao này đang thúc đẩy sự bất bình đẳng và lạm phát, cả hai yếu tố này đều gây trở ngại cho nền kinh tế.

Và dù không tin vào những người giàu nhất, phần lớn người Mỹ vẫn mơ ước một ngày nào đó trở thành tỉ phú. Trong khi 39% người tham gia khảo sát thừa nhận rằng họ không thích giới tỉ phú, 61% vẫn ngưỡng mộ họ. Sáu trên mười người Mỹ cho biết họ mong muốn trở thành tỉ phú một ngày nào đó. Con số này không thay đổi so với năm 2022, cho thấy một phần cốt lõi của giấc mơ Mỹ vẫn là sự theo đuổi thành công và thịnh vượng.

Một quan điểm khác đang nổi lên là mong muốn giới tỉ phú ngưng làm truyền thông và tham gia các hoạt động từ thiện nhiều hơn. 71% cho rằng những người giàu có chưa “đóng góp đủ nhiều để cải thiện xã hội”. Khoảng 2/3 người được khảo sát cảm thấy các tỷ phú chưa bị đánh thuế một cách xứng đáng, và tin rằng số tiền thu được từ họ có thể phục vụ các chương trình như chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, nhà ở và an ninh lương thực. 

“Có một kỳ vọng cố hữu, có vẻ giống với một thỉnh cầu đạo đức, đối với những người được hưởng lợi đặc biệt từ bối cảnh kinh tế Mỹ, rằng họ sẽ hỗ trợ nhiều hơn tới những cộng đồng từng mang lại thành công cho họ. Đây không chỉ đơn thuần là mệnh lệnh tài chính, mà còn là lời kêu gọi thúc đẩy một nền kinh tế toàn diện hơn, nơi mà thành công của một số ít không làm lu mờ tiềm năng của nhiều người”, bà Rodney nói.

Người Mỹ có rất nhiều cảm xúc phức tạp và không được giải tỏa khi nói đến nhóm người giàu có được hưởng nhiều đặc quyền và quyền lực. Điều này đối với họ không khác gì nuốt một viên thuốc đắng. “Nền kinh tế nhỏ giọt đã hứa hẹn mang lại Giấc mơ Mỹ cho mọi người. Nhưng thay vào đó, các tỉ phú đã được hưởng lợi từ các chính sách được thiết kế đặc biệt để thưởng cho giới siêu giàu, và sự bất bình đẳng này đã diễn ra với chi phí của các gia đình bình thường”, bà Riddell nói.

Có thể bạn quan tâm:

Giới nhà giàu Hong Kong bán tháo bất động sản

Nguồn Fortune