Các nhà kinh tế nhận thấy có lý do chính đáng để người mua hàng phải cảnh giác, vì cả người tiêu dùng và bản thân nền kinh tế dường như đang ở những điểm uốn. Ảnh: Getty Images.
Người Mỹ chắt chiu mùa chi tiêu cuối năm
Người tiêu dùng đang có tâm trạng thận trọng khi bước vào mùa mua sắm nghỉ lễ, điều tiết chi tiêu của họ trước tình trạng giá cả cao hơn và tín dụng đắt đỏ hơn, báo hiệu khả năng động lực của nền kinh tế Mỹ sẽ đi xuống.
Một mùa mua sắm buồn
Các nhà bán lẻ lớn cho biết khách hàng của họ trong ba tháng qua đã dần từ bỏ thói quen mua hàng cao cấp, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu và chờ đợi các ưu đãi giảm giá – một sự thay đổi mà các nhà điều hành và quan sát trong ngành dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong giai đoạn mua sắm bận rộn nhất trong năm.
Ông John David Rainey, giám đốc tài chính của Walmart, cho biết: “Doanh số bán hàng có phần không đồng đều và điều này cho chúng tôi lý do để suy nghĩ thận trọng hơn một chút về người tiêu dùng so với 90 ngày trước”.
Theo Bộ Thương mại, người tiêu dùng thận trọng đã thể hiện trên toàn bộ nền kinh tế vào tháng 10, khi doanh số bán lẻ giảm 0,1% so với tháng trước, mức giảm đầu tiên trong sáu tháng. Một báo cáo của Adobe Analytics cho thấy những người chi tiêu ngày càng chấp nhận các phương thức thanh toán thay thế, với số lần mua hàng “mua ngay, trả sau” tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với ngân sách eo hẹp mỗi khi mua hàng, người tiêu dùng thường tự hỏi: "món hàng này có thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống của mình không?" Giám đốc tăng trưởng của Target, bà Christina Hennington, cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập tuần này.
Các giám đốc điều hành bán lẻ hàng đầu khác cũng đưa ra dự đoán tương tự: Giám đốc tài chính của Macy, ông Adrian Mitchell, cảnh báo người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị thách thức; Giám đốc tài chính của Gap, bà Katrina O'Connell cho biết công ty đang cố gắng thận trọng hơn với người tiêu dùng; Các giám đốc điều hành của Williams-Sonoma lưu ý rằng công ty đang phải đối mặt với sự do dự liên tục của người tiêu dùng mặc vẫn giữ thái độ lạc quan về kỳ nghỉ lễ.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia dự đoán rằng những người mua sắm trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng cường chi tiêu so với năm ngoái nhưng với tốc độ chậm hơn so với những năm gần đây. Nhóm dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng 3-4% trong tháng 11 và tháng 12 - một mức tăng khiêm tốn hơn so với mức tăng 5,4% mà họ ghi nhận vào năm ngoái - khi người Mỹ nhận thấy sự bất ổn kinh tế mới.
Ông Jack Kleinhenz, nhà kinh tế của tập đoàn bán lẻ, cho biết: “Mọi người cảm thấy kém an tâm hơn trong việc chi tiêu khi họ cảm thấy kém tự tin hơn trong công việc của mình”, đồng thời chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp gia tăng gần đây bất chấp thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ trong lịch sử. “Khả năng chi tiêu là vẫn có; giờ đây câu hỏi thật sự là họ có sẵn lòng mua sắm hay không.”
Theo đó, các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho một mùa giảm giá, với danh sách tuyển dụng việc làm theo mùa đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ, theo Challenger, Gray & Christmas, một công ty theo dõi xu hướng lao động.
Điểm biến đổi
Các nhà kinh tế nhận thấy có lý do chính đáng để người mua hàng phải cảnh giác, vì cả người tiêu dùng và bản thân nền kinh tế dường như đang ở những điểm uốn.
Hai năm lạm phát "phỏng tay" khiến giá cả tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm và ngân sách gia đình bị thắt chặt cuối cùng đã có vẻ đã hạ nhiệt. Nhưng để chế ngự hiện tượng này, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm, khiến chi phí đi vay tăng vọt.
Người tiêu dùng ban đầu dựa vào các chương trình thanh toán khẩn cấp và xóa nợ thời đại dịch để giải quyết vấn đề tài chính cá nhân khi giá cả tăng cao. Sau khi tiêu hơn 2 nghìn tỉ USD tiền tiết kiệm kể từ đại dịch, họ đã chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng và các khoản vay khác trong những tháng gần đây - một diễn biến khiến một số nhà kinh tế lo lắng.
Theo Cục Dự trữ Liên bang New York, nợ thẻ tín dụng đã chồng chất với tốc độ nhanh chóng trong lịch sử - thêm 154 tỉ USD trong quý vừa qua. Theo Bankrate.com, khoản nợ đó ngày càng đắt hơn khi lãi suất tăng lên, với lãi suất thẻ tín dụng trung bình tăng từ 16,3% hai năm trước lên mức cao kỷ lục 20,7%.
Trong khi đó, người đi vay đang giảm khả năng thanh toán. Gần 8% tổng số nợ thẻ tín dụng đã quá hạn ít nhất 30 ngày, con số cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.
Có thể bạn quan tâm:
Thế giới e ngại khi Trung Quốc xuất khẩu mọi thứ
Nguồn Washinton Post