Năm 2017, Trung Quốc đào tạo ra hai tỉ phú mới mỗi tuần, hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại.

 
Hải Miên Thứ Ba | 07/11/2023 14:35

Người giàu Trung Quốc tìm cách "di cư" tài sản

Trước nhiều quy định khó về mặt tài chính, nhiều cá nhân giàu có ở Trung Quốc đang tìm cách chuyển tài sản và cả chính bản thân họ ra nước ngoài.

Từ trước đến nay, các tỉ phú nổi tiếng vì khó bị theo dõi và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì nếu càng dễ bị tìm thấy thì họ và tài sản của họ càng dễ bị đánh thuế. Nhưng nhìn chung số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang suy giảm. Theo Forbes, trong số 2.630 tỉ phú ước tính trên thế giới, ít nhất 562 người được cho là ở Trung Quốc, giảm so với 607 người của năm ngoái.

Với những quy định khó khăn và ngày càng căng thẳng lên giới tài chính, nhiều cá nhân giàu có ở Trung Quốc đang tìm cách chuyển tài sản và cả chính bản thân họ khỏi nước này.

Giới tinh hoa Trung Quốc từ lâu đã tìm mọi cách để đưa tiền ra nước ngoài. Theo con đường chính ngạch, các cá nhân chỉ được phép chuyển 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm. Nhưng trên thực tế, những người giàu, có nhiều cách không chính thống để làm điều đó, dù là đổi tiền ở Hồng Kông, nơi không áp dụng kiểm soát vốn, hay chuyển tiền vào các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Dòng tiền chảy ra

 

Theo ước tính từ ngân hàng Natixis, trước đại dịch, khoảng 150 tỉ USD đã chảy ra khỏi Trung Quốc mỗi năm thông qua khách du lịch rút tiền ra nước ngoài. Các nhà kinh tế cho biết, mặc dù du lịch quốc tế chưa trở lại mức trước đại dịch, nhưng lãi suất cao của Mỹ và đồng nhân dân tệ yếu là động lực mạnh mẽ để những người Trung Quốc giàu tiền mặt chuyển tiền ra khỏi đất nước.

Trong nửa đầu năm 2023, dữ liệu cán cân thanh toán của Trung Quốc thiếu hụt 19,5 tỉ USD. Dữ liệu này được các nhà kinh tế sử dụng làm chỉ báo về tình trạng tháo vốn, mặc dù giá trị thực của số tiền không chính thức rời khỏi nền kinh tế có thể cao hơn.

Bà Alicia Garcia Herrero, Nhà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, nói rằng sự vô định trong chính sách kinh tế tương lai và cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc cũng thúc đẩy mọi người rút tiền tiết kiệm ra khỏi đất nước.

Kể từ năm 2005, 600 tỉ USD đã chảy ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc sau khi đồng nhân dân tệ bất ngờ mất giá. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tìm cách siết chặt sự giàu có của nước này và những người sở hữu phần lớn tài sản đó. Vào năm 2021, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khơi lại lời kêu gọi “thịnh vượng chung”, còn được xem là lời kêu gọi các cá nhân giàu có chia sẻ khối tài sản khổng lồ của họ.

Cuộc di cư diện rộng

Ngày càng có nhiều dấu hiệu người giàu Trung Quốc di cư tới các điểm nóng gần đó. Theo dữ liệu từ OrangeTee, một công ty bất động sản, hơn 10% căn hộ cao cấp được bán ở Singapore trong ba tháng đầu năm nay đã đến tay người mua Trung Quốc đại lục, tăng từ mức khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022.

 

Theo Henley & Partners, một công ty tư vấn nhập cư, khoảng 13.500 cá nhân giàu có dự kiến ​​sẽ rời Trung Quốc trong năm nay, tăng từ mức 10.800 năm ngoái.

Ông David Lesperance, một nhà tư vấn tái định cư cho giới tài phiệt, cho biết ông ngày càng nhận được nhiều nhu cầu từ các doanh nhân muốn chuyển không chỉ gia đình mà còn toàn bộ đội ngũ của họ ra khỏi Trung Quốc. Ông nói, ngoài những rủi ro chính trị, các doanh nhân không còn cảm thấy Trung Quốc là vùng đất của cơ hội nữa. Năm 2017, Trung Quốc đào tạo ra hai tỉ phú mới mỗi tuần, hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại.

Ông Lesperance nói: “Trước đây họ ở lại vì họ kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc, còn giờ thì không. Vậy thì họ thấy đâu còn lí do gì để ở lại và chịu rủi ro?"

Có thể bạn quan tâm: 

Nhật Bản chi hơn 100 tỉ USD để giúp người dân ứng phó lạm phát

Nguồn The Guardian