Thứ Năm | 23/08/2012 22:05

Người giàu Trung Quốc đua nhau ra nước ngoài định cư

Mặc dù các quy định nhập cư tại một số nước thắt chặt nhưng lượng người nộp đơn Trung Quốc nộp đơn xin nhập cư vẫn tiếp tục tăng.
Năm nay trở nên khó khăn hơn đối với nhiều công dân Trung Quốc để họ thực hiện giấc mơ di cư ra nước ngoài khi hầu hết những điểm đến yêu thích đều điểu chỉnh lại luật nhập cư với những yêu cầu chất lượng cao hơn và ít cởi mở hơn.

Cuối tháng 6 vừa qua, Canada thông báo sẽ tạm thời ngừng nhận các đơn xin mới với chương trình Lao động lành nghề liên bang và chương trình Đầu tư Nhập cư Liên bang, có hiệu lực từ ngày 1/7. Chính phủ Canada dự kiến sẽ chấp nhận các đơn xin vào tháng Giêng năm sau. Trong khi đó, Quebec, một tỉnh phía đông Canada đã giới hạn một số lượng tối đa (2.700 đơn) các đơn xin nhập cư từ ngày 21/3/2012-21/3/2013.

"Đây là một cú giáng nặng nề đối với những người nộp đơn xin mới, những lá đơn đang được xử lý và các thủ tục nhập cư trung gian tại Trung Quốc cũng như tại Canada," Ding Wei, giám đốc văn phòng nhập cư Canada tại  tổ chức Giáo dục Nước ngoài JJL, một tổ chức di dân và giáo dục trung gian có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.

"Các đơn phải được xử lý lâu hơn và khả năng bị trả lại lớn hơn," China Daily trích lời ông Ding.

Không chỉ có Canada đưa ra các chính sách nhập cư mới. Ngày 1/7, Australia, quốc gia mà nhiều người Trung Quốc muốn nhập cư, cũng đã đưa ra Mẫu lựa chọn Lao động có tay nghề mới, một trong những thay đổi lớn nhất trong hệ thống nhập cư của Australia trong nhiều năm qua. Hệ thống mới sẽ gây khó khăn hơn đối với những người sắp nhập cư tới Australia. Họ sẽ phải đợi khoảng 6 tháng để biết mình có được phép làm đơn xin nhập cư hay không.

Theo Ma Jing, người chịu trách nhiệm bộ phận nhập cư Australia tại JJI, mô hình mới đưa ra những yêu cầu cao hơn, bao gồm giáo dục, khả năng ngoại ngữ và kinh nghiệm kinh doanh. Mặc dù vậy, Ma Jing vẫn lạc quan về số lượng đơn xin tiếp tục tăng trong thời gian tới. "Nói chung, việc chuyển tới nước ngoài ngày càng khó khăn hơn với những yêu cầu cao hơn bao gồm cả vốn đầu tư nhưng sự giàu có của người Trung Quốc cũng tiếp tục tăng," Ma nói.

Ông Ding Wei cũng cho biết nhiều người Trung Quốc có thể sẽ chuyển tới các quốc gia như Mỹ hoặc các nước châu Âu thay vì tới Canada.

Tại châu Âu, trong buổi điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Pháp vào hôm 24/7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls đã đề cập tới ý định thay đổi luật nhập cư của chính phủ mới do Tổng thống Francois Hollande đứng đầu.

Kế hoạch mới sẽ giúp cho các sinh viên nước ngoài có cơ hội làm việc tại Pháp sau khi tốt nghiệp, Daniel Kahn, người đồng sáng lập công ty luật Kahn & Associes tại Paris cho biết.

Có một số lượng đông đảo sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Pháp. Một vài người trong số họ đã tốt nghiệp những trường kỹ thuật, thương mại, kinh doanh danh tiếng nhất nước Pháp. "Họ có thể nói hai hoặc ba thứ tiếng và có một nền tảng văn hóa Trung-Pháp," ông Kahn cho biết. "Các chính sách nhập cư mới sẽ cho phép họ tìm được một vị trí phù hợp và thú vị tại các công ty của Pháp cũng như có được giấy phép lao động hợp pháp."

Mặc dù các quy định nhập cư có thay đổi thế nào chăng nữa, nhiều người Trung Quốc vẫn muốn ra nước ngoài sinh sống. Ma cho biết nhiều khách hàng của ông có con cái đang du học. "Họ cảm thấy thật đáng tiếc nếu như con mình học nhiều năm tại nước ngoài mà không có được quyền công dân ở đó. Vì thế, họ đã xin nhập cư để có thể giúp con mình," Ma nói.

"Mọi người cũng muốn có một cuộc sống ít áp lực hơn và hưởng tiền trợ cấp tốt hơn khi họ về già sau khi họ di cư tới các quốc gia như Australia," Ma cho biết thêm.

Đối với các thương nhân, những người đi nước ngoài như đi chợ, hộ chiếu nước ngoài đồng nghĩa với việc thời gian đợi cấp thị thực sẽ ngắn hơn so với sử dụng hộ chiếu Trung Quốc.

Yao Lei, 29 tuổi, một nhân viên IT tại một công ty của Mỹ có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng sẽ sớm gia nhập tầng lớp trung lưu với mức lương khá cao. Tuy nhiên, anh đã tìm thấy mục tiêu mới của cuộc đời mình sau khi quyết định chuyển tới Mỹ sinh sống.

Anh dự định sẽ kiếm được thẻ lưu trú loại EB-1A, vốn dành cho những người nhập cư có những khả năng đặc biệt, dưới danh nghĩa giúp đỡ công ty tại Mỹ. "Tôi nghĩ tôi có thể có được thu nhập cao hơn, một cuộc sống với ít áp lực hơn và dễ dàng để tiếp cận với những cơ hội giáo dục hơn cho những đứa con tôi trong tương lai," Yao nói.

Nguồn VietNamNet


Sự kiện