Thứ Ba | 12/06/2012 14:47

Người Đức ngày càng phản đối cứu trợ và muốn Hy Lạp rời eurozone

Tại thị trấn Hassloch, một hình ảnh thu nhỏ nước của Đức, người dân cảm thấy cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang vượt quá sức chịu đựng của họ.
Trong khi các cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy người Đức đang trở nên ngần ngại trước việc phải chi tiền để cứu trợ cho Hy Lạp, những lời phàn nàn của những người dân Hassloch chính là dấu hiệu cảnh báo cho Thủ tướng Angela Merkel trong bối cảnh Hy Lạp chuẩn bị bước vào đợt bầu cử thứ 2, diễn ra vào ngày 17/6 tới đây.

Thị trấn Hassloch từ lâu đã được công ty nghiên cứu thị trường GfK SE coi là một nước Đức thu nhỏ. Bên cạnh đó, tâm trạng của người dân Hassloch cũng rất quan trọng với nước Đức do thị trấn này đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Thủ tướng Angela Merkel trong 6/8 cuộc bầu cử gần đây.

Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy tỷ lệ người Đức phản đối Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro (eurozone) ngày càng tăng trong thời gian qua. Cuộc khảo sát của đài truyền hinh ZDF hôm 25/5 cho thấy, có tới 60% người Đức muốn Hy Lạp rời khỏi eurozone, tăng 11% so với tháng 11/2011.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy 79% người Đức phản đối việc phát hành trái phiếu chung eurobond, loại trái phiếu sẽ giúp Hy Lạp giảm nợ và tăng gánh nặng cho Đức.

Thị trưởng thị trấn Hassloch, Hans-Ulrich Ihlenfeld cho biết các cử tri trong thị trấn sẽ không chấp nhận bơm thêm tiền cho Hy Lạp. Hầu hết người dân Đức tin rằng, eurozone có thể vượt qua khủng hoảng nếu Hy Lạp ra đi.

Không chỉ người dân Đức, ngay cả các thành viên trong Đảng CDU của bà Merkel cũng không chấp nhận tung tiền cứu trợ Hy Lạp. "Sẽ tốt hơn nếu Hy Lạp rời eurozone, cơ chế của họ quá đổ nát, nạn tham nhũng tài chính công ngày một tồi tệ," một thành viên trong Đảng nói.

Hiện tại, Đức vẫn là nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ cứu trợ khu vực đồng euro. Bên cạnh đó, Chính phủ Đức còn cam kết đóng góp 211 tỷ euro cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu, tương đương 27% tổng quỹ.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện