Thứ Ba | 10/05/2016 13:20

Người dân Trung Quốc sẽ không còn cần đến tiền mặt?

Thanh toán di động đang khiến cuộc sống của người Trung Quốc thay đổi chóng mặt và điện thoại di động đang dần thay thế chiếc ví tiền truyền thống.

Piao Jianfeng cho biết, suốt 2 năm qua, ông hiếm khi mang theo ví tiền thông thường và cũng không sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt. Thay vào đó, chiếc điện thoại di động chính là ví tiền của ông và ông sử dụng điện thoại di động để thanh toán cho hầu hết mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày tại Bắc Kinh, từ đi taxi đến hàng tiện ích và hóa đơn hàng tiêu dùng.

Ông Piao, 30 tuổi, chủ cửa hiệu làm tóc cùng với vợ, bà Zhang Naiyu, ở Sanlitu - khu mua sắm và giải trí tại Bắc Kinh. Ông Piao là chuyên gia kiểu mẫu tóc trong khi vợ ông là chuyên gia trang điểm và cùng quản lý cửa hàng với 2 nhân viên.

Hình thức thanh toán của ông Piao cho thấy công nghệ đang thay đổi tiền tệ và việc sử dụng tiền tệ tại Trung Quốc như thế nào. Ở một đất nước mà chỉ một thập kỷ trước chỉ 7 triệu người có thẻ tín dụng và hầu hết mọi giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, giờ đây số người mua sắm và thanh toán qua thiết bị di động đang gia tăng chóng mặt.

Năm 2015, khoảng 358 triệu người Trung Quốc - khoảng gần ½ số người sử dụng internet - đã tiến hành các giao dịch thanh toán trên thiết bị di động của họ, tăng gần 2/3 so với năm 2014, theo báo cáo mới đây của chính phủ Trung Quốc. Khi ngày càng nhiều hơn số người Trung Quốc chuyển từ máy vi tính sang điện thoại thông minh, các giao dịch thanh toán cũng chuyển đổi theo.

Hơn 200 công ty đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thanh toán di động đang tăng trưởng chóng mặt. Alipay của Tập đoàn Alibaba đang chiếm ưu thế với 73% tổng số lượng giao dịch trong năm 2015, theo số liệu của hãng nghiên cứu Analysys International trụ sở tại Bắc Kinh. WeChat Payment - sản phẩm của Tencent Holdings - đứng thứ 2 với 13%.

Analysys International ước tính người Trung Quốc sử dụng thiết bị di động để thanh toán và chuyển khoảng 16,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,5 nghìn tỷ USD) trong năm 2015, gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp hơn 12 lần so với năm 2013.

Alibaba và Tencent đã tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng này. Bên cạnh việc kết nối hệ thống thanh toán với các điểm thương mại điện tử và các ứng dụng giao nhận đồ ăn, taxi, hàng hóa và dịch vụ khác, 2 tập đoàn này còn kết nối với hàng triệu nhà bán lẻ truyền thống - từ nhà hàng, cửa hàng gia đình đến siêu thị Wal Mart. Alipay thu phí tối đa 0,6% mỗi giao dịch tại Trung Quốc. Mức phí của WeChat không đồng nhất.

Lo ngại lớn nhất đối với hoạt động thanh toán di động là tính bảo mật. Nhưng ở một đất nước nơi nhiều người tiêu dùng nói rằng họ luôn thận trọng với các định chế truyền thống như các ngân hàng quốc doanh, thì các gã khổng lồ internet đã tạo dựng được lòng tìn bằng cách thiết lập quy tắc rằng mọi người như ông Piao cảm thấy thuận lợi hơn với nhu cầu của họ. Do vậy, hầu hết người tiêu dùng không cảm thấy họ đang bị mất niềm tin với các ứng dụng thanh toán di động.

Tất cả những điều này giúp đưa Trung Quốc trở thành người tiên phong trong việc áp dụng phương thức thanh toán di động, đồng nghĩa rằng lối sống chuộng tiền mặt của những người như ông Piao có thể cho thấy thương mại di động đang thay đổi cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Khoảng 70% khách hàng của ông bà Piao và Zhang trả mọi chi phí dịch vụ qua WeChat. Ông Piao và vợ thích hình thức thanh toán này hơn là nhận tiền mặt vì họ cảm thấy an toàn, nhanh chóng và giúp họ không mất thời gian chờ đợi để rút tiền tại máy ATM hoặc ngân hàng. Đổi lại, họ cũng sử dụng các hình thức thanh toán di động cho hầu hết các nhu cầu:

Mua sắm hàng ngày: Họ thường mua sắm tại siêu thị gần nhà hoặc các nhà bán lẻ trực tuyến JD.com và Yihaodian.com - thuộc Wal-Mart. Vợ chồng ông Piao cũng sử dụng WeChat để thanh toán với các nhà bán lẻ này đồng thời đặt mua nông sản tươi và thịt từ khu chợ gần đó - cũng có tài khoản WeChat.

Hàng tiện ích: Vợ chồng ông Piao sử dụng Alipay để thanh toán cước điện thoại, tiền điện và tiền nước. Chỉ có tiền gas vẫn còn phải thanh toán qua ngân hàng.

Nhà hàng: Vợ chồng ông Piao đặt món ăn bằng các ứng dụng và thanh toán hoặc bằng Alipay hoặc WeChat Payment - được rất nhiều nhà hàng chấp nhận, kể cả những cửa hàng bán mỳ và chuỗi nhà hàng KFC và McDonald’s.

Quản lý tài sản: Ông Piao cho biết, họ gửi khoảng 100.000 nhân dân tệ trong tài khoản Alipay với lãi suất 2,6%/năm, cao hơn so với 0,3% tại các ngân hàng quốc doanh.

Những món mua sắm lớn: Giống như nhiều người Trung Quốc, ông Piao  đã nghe được nhiều câu chuyện kinh hoàng về gian lận thẻ tín dụng, do vậy, ông và vợ thích sử dụng Alipay để mua sắm những món lớn tại các chuỗi cửa hàng uy tín. Năm ngoái, món mua sắm lớn của họ là máy lọc không khí với giá hơn 10.000 nhân dân tệ - sử dụng Alipay tất nhiên.

Đầu vào kinh doanh: Trước kia, ông Piao trả tiền mặt cho các nhà cung cấp đầu vào cho cửa hàng của ông để tránh phí giao dịch thẻ tín dụng. Giờ đây, các nhà cung cấp này cũng đã chấp nhận thanh toán di động.

Tiền thuê nhà: Ông Piao vẫn trả tiền thuê nhà bằng tiền mặt theo yêu cầu của chủ nhà vì theo giải thích của ông “Họ là người già”.

Nhật Trường

Nguồn WSJ