Nhìn tổng thể, châu Âu đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế mờ nhạt. Ảnh: WSJ.

 
Lam Ngọc Thứ Bảy | 22/07/2023 15:41

Người châu Âu ngày càng nghèo

Lãi suất tăng cao, lạm phát dai dẳng cùng những biến động kinh tế khác đang khiến người dân châu Âu ngày một nghèo đi vì không đủ khả năng chi tiêu.

“Nỗi đau” của hiện thực

Châu Âu, lục địa từng khiến nhiều người ghen tị về phong cách sống xa hoa đang dần mất đi ánh hào quang, khi sức mua của người dân suy giảm. Theo đó, một thực trạng kinh tế mà người dân châu Âu đang phải đối mặt đó là trở nên “nghèo đi”. Đây là điều chưa từng có trong nhiều thập kỷ trước đây.  

Người Pháp ăn ít gan ngỗng cũng như uống ít rượu vang hơn. Người Tây Ban Nha tiết kiệm dầu ô liu trong khi các gia đình ở Phần Lan thì được khuyến khích chỉ nên sử dụng phòng xông hơi vào những ngày có gió lớn nhằm tiết kiệm tiền điện đang ngày càng đắt đỏ. Thậm chí, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, cũng chứng kiến sức mua thịt và sữa sụt giảm đáng kể với mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Không những vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ từng gây bùng nổ ở Đức giờ đây cũng lao dốc không phanh.

Lãi suất cao, lạm phát dai dẳng khiến nền kinh tế châu Âu ngày càng
Lãi suất cao, lạm phát dai dẳng khiến nền kinh tế châu Âu ngày càng "nghèo đi". Ảnh: WSJ.

Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh cùng với một số dấu hiệu kinh tế khác, bao gồm dân số già, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19, cho thấy châu Âu đã rơi vào cuộc suy thoái từ đầu năm nay. Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng nền kinh tế châu Âu đã có nhiều “biến động” từ lâu. Nhìn tổng thể, châu Âu đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế mờ nhạt, người dân ngày càng nghèo đi trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và thực phẩm thì tăng vọt.

Trước đây, ngành xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế châu Âu, nhưng sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, thị trường lớn của EU, đã khiến chiếc “phao cứu sinh” này không thể phát huy tác dụng. Thương mại toàn cầu suy giảm khiến ngành xuất khẩu, vốn chiếm 50% GDP khu vực Eurozone, trở thành điểm yếu “chí mạng” của nền kinh tế châu Âu. Không dừng lại đó, chi phí năng lượng tăng cao, lạm phát cao dai dẳng là những yếu tố làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá của các nhà sản xuất EU trên thị trường quốc tế. Điều này, cũng đồng thời làm dấy lên những bất lợi trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động.

Mặt khác, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ tăng gần 9% nhờ thị trường lao động ổn định và thu nhập ngày càng tăng lên thì sức chi tiêu của người dân tại 20 quốc gia thuộc Eurozone lại giảm 1% sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cách đây 15 năm, tổng chi tiêu tiêu dùng toàn cầu của EU và Mỹ là 25% cho mỗi bên, nhưng giờ đây, EU chỉ còn khoảng 18% trong khi Mỹ là 28%.

 

Hết thời sang chảnh

Từng được thế giới ngưỡng mộ là nơi có mức sống phóng khoáng nhất, giờ đây nhiều khu vực ở châu Âu lại lâm vào tình cảnh "nhà giàu cũng phải khóc". 

Tại Brussels, một trong những thành phố giàu có nhất của châu Âu, rất nhiều giáo viên và y tá phải xếp hàng dài vào các buổi chiều để mua thực phẩm giảm giá 50%. Điều này cho thấy ngay cả tầng lớp trung lưu cũng không thể thoát khỏi “cái nghèo”.

Chi tiêu của nhóm thực phẩm cao cấp cũng không ngoại lệ. Năm 2022, mỗi người Đức tiêu thụ khoảng 52kg thịt, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1989. Không những vậy, người dân Đức hiện đang ưu tiên lựa chọn các loại thịt rẻ hơn thịt gia cầm thay vì thịt bò và thịt bê như trước đây.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng có lẽ người dân châu Âu phải chấp nhận hiện thực “đau đớn” này, và rất khó để nền kinh tế EU có thể trở lại thời hoàng kim như trước.

Xu hướng dân số già hoá cùng với sức mua yếu kém đã khiến thị trường châu Âu ngày càng kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Một loạt những tập đoàn lớn từ ngành hàng tiêu dùng như P&G đến ngành công nghiệp xa xỉ như “gã khổng lồ” LVMH hiện nay đều kỳ vọng thu lợi nhuận từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc thay vì châu Âu.

So sánh với những nền kinh tế phát triển khác, mức thuế ở châu Âu được cho là khá cao, tương đương 40-45% GDP khu vực. Điều này có nghĩa là nếu một người lao động Mỹ có thể nhận về 3/4 mức lương sau khi khấu trừ các khoản thuế, người lao động ở châu Âu chỉ nhận được khoảng 1/2 mức lương. Mặc dù gặp khó khăn về tiền lương, nhưng người lao động châu Âu vẫn ưu tiên chọn công việc có nhiều thời gian rảnh nhiều hơn thay vì công việc có tiền lương cao.

Thịt bò và thịt bê trở nên xa xỉ đối với người dân châu Âu. Ảnh: WSJ.
Thịt bò và thịt bê trở nên xa xỉ đối với người dân châu Âu. Ảnh: WSJ.

Trong khi nền kinh tế đang chật vật tìm lối thoát, câu chuyện về tuần làm việc 4 ngày, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chăm sóc gia đình và bản thân lại trở thành đề tài “nóng”, nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Giữa bối cảnh lạm phát cao dai dẳng, thất nghiệp tràn lan, thu nhập giảm, nhiều người lao động yêu cầu được tăng lương, bất chấp việc phải làm thêm giờ. Nhưng chính phủ và một số doanh nghiệp lại cho rằng đây là điều không nên vì có thể sẽ khiến lạm phát tiếp tục tăng.

Có thể thấy, những tháng qua là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với người dân ở châu Âu. Việc “nghèo đi” là điều mà họ chưa từng phải trải qua trong nhiều thập kỷ. Theo giới phân tích, đây chính là một bài toán khó cho giới chức trách châu Âu.

Có thể bạn quan tâm:

Anh sử dụng các quỹ lương hữu để vực dậy nền kinh tế

Nguồn WSJ