Người châu Á đầu tư mạo hiểm nhất thế giới
57% người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận các biến động thị trường trên 10%, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và châu Âu khoảng từ 45-50%. Trong đó, người Hong Kong được coi là mạo hiểm nhất. 55% người Hong Kong là nhà đầu tư tài chính, trong khi trung bình thế giới chỉ đạt 33%.
Đa số nhà đầu tư châu Á đổ tiền vào chứng khoán, thay vì các tài sản khác như trái phiếu hay kim loại quý.
Giám đốc điều hành Nielsen, ông Oliver Rust, cho rằng, các nhà đầu tư châu Á có xu hướng kinh doanh mạo hiểm hơn các đối tác châu Âu do có lượng thu nhập khả dụng cao hơn.
Thu nhập khả dụng của châu Á cao hơn bởi lực lượng lao động tăng trưởng nhanh khiến có nhiều hộ gia đình 1 thành viên, hay gia đình chưa có trẻ nhỏ, báo cáo của Euromonitor chỉ ra. Thực tế, thu nhập khả dụng bình quân hộ gia đình ở Mỹ giai đoạn 1995-2010 tăng 13,2%, trong khi ở Trung Quốc tăng 230%.
Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Cathay Conning, ông Mark Konyn, nhận định, trong bối cảnh của phương Tây hiện nay, việc chấp nhận rủi ro thường bị coi là động thái đầu cơ hơn là đầu tư. Ở các nền kinh tế tăng trưởng cao của châu Á, các nhà đầu tư thường tìm kiếm các cơ hộ để thu về lợi nhuận cao hơn trong thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra, giao dịch viên tại công ty chứng khoán IND-X, ông Shan Han cho rằng, lạm phát cũng là yếu tố tác động đến tâm lý này. Lạm phát cao hơn đồng nghĩa với việc tích trữ tiền không phải là chiến lược tốt khi lãi suất tiền gửi không đủ hấp dẫn.
Ông Han lấy ví dụ, những năm 1990, Hong Kong lạm phát trung 8,5%, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng là 6%/năm. Điều này nghĩa là, nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng sẽ thiệt hại 2,5% khoản tiền gửi mỗi năm.
Nguồn CNBC/DVT