Người biểu tình ngừng phong tỏa Bangkok
Người biểu tình chống chính phủ hát quốc ca sau khi tập trung tại điểm biểu tình duy nhất ở công viênLumpini, trung tâm thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP |
Theo AFP, người biểu tình chống chính phủ hôm qua chấm dứt chiến dịch phong tỏa Bangkok và tập trung các hoạt động tuần hành quy mô lớn tại công viênLumpini, trung tâm thủ đô.
Tuy nhiên, phe áo Vàng vẫn cam kết sẽ tiếp tục sứ mệnh lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Cuộc đàm phán giữa hai bên được lên kế hoạch vào tuần tới.
Thủ lĩnh phe đối lậpSuthep Thaugsuban hôm 27/2 thừa nhận chiến dịch phong tỏa Bangkok đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục bao vây các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp của nhà Shinawatra.
Cũng hôm qua,khoảng 120.000 người đã đăng ký bỏ phiếu tại 101 điểm bầu cử tại 5 tỉnh của Thái Lan. ÔngSomchai Srisutthiyakorn, ủy viên Hội đồng Bầu cử cho biếtkết quả cuối cùng sẽ chỉ được thông báo sau khi bỏ phiếu bổ sung được tiến hành tại tất cả các điểm bầu cử trước thời hạn chót trong tháng 4.
Theo Hiến pháp Thái Lan, từ nay đến thời điểm công bố, bà Yingluck vẫ là thủ tướng tạm quyền. Vòng bầu cử Thượng viện sẽ được tiến hành vào ngày 30/3.
Phe áo Đỏ đang tăng cường hoạt động biểu tình ủng hộ chính phủ tại các tỉnh miền bắc và đông bắc, nơi đảng Pheu Thai và cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, vẫn rất được ủng hộ.
Hôm qua, hàng nghìn người ủng hộ chính phủ tập trung biểu tình qua đêm tại một bãi đỗ xe tại Khon Kaen, tỉnh lớn thứ hai miền đông bắc Thái Lan và là thành trì quan trọng của phe áo Đỏ. Một cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức một ngày trước đó, với sự tham gia của những người nông dân miền bắc. Họ cho rằng lá phiếu bầu là phần thưởng cho chính sách đầu tư tài chính của chính phủ cho các khu vực khó khăn, vốn bị bỏ bê trong nhiều năm.
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng các chính sách trên là hành vi mua phiếu và đó là lý do tại sao đảng của ông Thaksin luôn thắng trong các cuộc bầu cử gần đây. Chính vì vậy, Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân do ông Suthep đứng đầu yêu cầu thành lập Hội đồng Nhân dân không thông qua bầu cử.
Yêu cầu trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ của bà Yingluck và đảng Pheu Thai. Sự bất đồng này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Thái Lan kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Đức Dương
Nguồn Vnexpress.net