Công nhân lắp ráp đường ống xả nước thải ra biển, tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: CNN.

 
Hải Miên Thứ Tư | 12/07/2023 13:51

Ngư nghiệp Nhật gặp khó vì kế hoạch xả nước phóng xạ

Ngư dân của Fukushima lo sợ rằng, cho dù việc xả nước có an toàn hay không, động thái này sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Trời vẫn còn tờ mờ sáng khi ông Kinzaburo Shiga, 77 tuổi, trở về cảng Onahama sau khi đánh bắt một tàu đầy cá ngoài khơi bờ biển phía Đông, Nhật.

Nhưng ngư dân này sẽ không tiến thẳng đến chợ cá, mà đầu tiên phải đi kiểm tra phóng xạ. Đây là một thủ tục bắt buộc mà ông đã lặp đi lặp lại trong hơn một thập kỷ kể từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011.

Bức xạ từ nhà máy hạt nhân bị hư hại đã rò rỉ ra biển, khiến giới chức phải đình chỉ hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi 3 tỉnh, vốn là nguồn cung 1/2 sản lượng thủy hải sản đánh bắt của Nhật.

 

Lệnh cấm đó kéo dài hơn một năm và ngay cả sau khi được dỡ bỏ, ngư dân ở Fukushima, như ông Shiga, trong nhiều năm hầu như chỉ đánh cá để đem đi kiểm tra phóng xạ, thay mặt cho công ty điện lực nhà nước Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), thay vì đưa thẳng ra chợ.

Kể từ đó, các dòng hải lưu đã phân tán nước bị ô nhiễm đủ để chất phóng xạ cesium gần như không thể phát hiện được trong cá từ tỉnh Fukushima. Nhật cũng dỡ bỏ các biện pháp còn lại ở khu vực này vào năm 2021 và hầu hết các quốc gia đã nới lỏng hạn chế nhập khẩu.

Ông Shiga và những ngư dân khác nghĩ rằng cơn ác mộng nhiều năm trước đã qua. Cho đến khi Nhật thực hiện kế hoạch xả dần hơn 1 triệu tấn nước thải đã lọc ra Thái Bình Dương từ mùa hè năm 2023  thì ngành công nghiệp đánh bắt cá lại một lần nữa lao đao.

Chính phủ Nhật và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, việc giải phóng có kiểm soát dự kiến mất hàng thập kỷ, nhưng sẽ đáp ứng các quy định an toàn quốc tế và không gây hại cho môi trường.

Nhưng với thời hạn xả nước theo kế hoạch sắp đến vào mùa hè này, ngư dân của Fukushima lo sợ rằng, cho dù việc xả nước có an toàn hay không, động thái này sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, tác động đến sản lượng đánh bắt và một lần nữa đe dọa kế sinh nhai mà họ đã phải vất vả đấu tranh để phục hồi.

Vấn đề nan giải về nước thải

Năm 2011, trận động đất và sóng thần đã cắt nguồn cung cấp điện cho nhà máy Fukushima, vô hiệu hóa hệ thống làm mát của nó. Điều này khiến lõi lò phản ứng quá nóng và làm ô nhiễm nước trong nhà máy bằng chất phóng xạ cao.

Kể từ đó, nước mới đã được bơm vào để làm mát các mảnh vụn nhiên liệu trong các lò phản ứng. Đồng thời, nước ngầm và nước mưa rò rỉ vào trong, tạo ra nhiều nước thải phóng xạ cần được lưu trữ và xử lý.

TEPCO đã xây dựng hơn 1.000 bể chứa khổng lồ tại địa điểm này để lưu trữ lượng nước thải hiện nay là 1,32 triệu tấn, ở Okuma thuộc tỉnh Fukushima.
TEPCO đã xây dựng hơn 1.000 bể chứa khổng lồ ở Okuma, Fukishima để lưu trữ 1,32 triệu tấn nước thải. Ảnh: CNN.

TEPCO đã xây dựng hơn 1.000 bể chứa khổng lồ tại địa điểm này để lưu trữ lượng nước thải hiện nay là 1,32 triệu tấn, đủ để lấp đầy hơn 500 bể bơi Olympic. Nhưng không gian lưu trữ đang cạn kiệt và Công ty cho biết việc xây dựng thêm bể chứa không phải là một lựa chọn.

Trong khi nước thải phóng xạ chứa các nguyên tố nguy hiểm bao gồm cesium và stronti, TEPCO cho biết phần lớn các hạt đó có thể được tách ra khỏi nước và loại bỏ. TEPCO tuyên bố hệ thống lọc của họ, được gọi là xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), có thể làm giảm lượng các nguyên tố đó xuống thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định.

Nhưng không thể lấy đi một đồng vị hydro, vì hiện tại không có công nghệ nào để làm như vậy. Đồng vị này là tritium phóng xạ và cộng đồng khoa học còn nhiều ý kiến trái chiều về nguy cơ của nó.

Theo IAEA, việc giải phóng một lượng nhỏ triti có thể an toàn vì nó đã hiện diện với số lượng nhỏ trong mọi thứ, từ nước mưa, nước biển cho đến nước máy; một lượng nhỏ thậm chí tồn tại tự nhiên trong cơ thể con người.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn bất đồng về khái niệm bức xạ “an toàn”.

Thay đổi cách nhìn nhận

 

Các quan chức Nhật cho biết đã cân nhắc ý kiến của người dân địa phương ở Fukushima và sẽ gửi thông điệp tới các quốc gia và người tiêu dùng khác trên khắp thế giới rằng nước thải đã được xử lý an toàn rồi mới xả ra môi trường.

Và trong nỗ lực thuyết phục cả ngư dân và người tiêu dùng rằng nước được xả ra là an toàn, vào tháng 9/2022, TEPCO bắt đầu tiến hành các thử nghiệm về nồng độ triti trong cá, động vật có vỏ và rong biển được nuôi trong nước biển thông thường so với được nuôi trong môi trường nước xử lý bằng ALPS.

Nhưng bà Satsuki Takahashi, một nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu về tính bền vững tại Đại học Hosei, cảnh báo rằng việc thay đổi tư duy không phải là điều dễ dàng.

“Ở góc độ người tiêu dùng, dù đã qua xử lý hay chưa thì đây cũng là nước thải. Thật khó để mọi người hiểu được ý nghĩa của an toàn hoặc rủi ro là gì”, bà nói.

Đối với những ngư dân như ông Shiga, nỗ lực phục hồi kế sinh nhai còn lâu mới kết thúc. Ông Shiga cho biết: “Chúng tôi chủ động và kêu gọi người tiêu dùng hiểu sản phẩm của chúng tôi an toàn, nhưng chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận họ”.

“Nếu chính phủ xả nước ra biển ngoài khơi Fukushima ngay bây giờ, mọi thứ chúng tôi đã làm cho đến nay và những nỗ lực hiện tại của chúng tôi sẽ bị lãng phí”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm: 

Canh bạc mang tên Threads của tỉ phú Mark Zuckerberg

Nguồn CNN