Thứ Bảy | 06/07/2013 09:26

Ngôi sao kinh tế Tây Âu mất dần ánh sáng

Dù là một trong những ngôi sao sáng nhất tại Tây Âu, song kinh tế Na Uy bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết lớn.
Na Uy, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới, là sự thèm muốn của nhiều quốc gia Tây Âu, khi nền kinh tế nước này ghi dấu mức tăng trưởng 3,4% trong năm ngoái và đang chất tiền vào két nhờ nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu vật lộn với gánh nợ chồng chất.

Dự kiến, kinh tế Na Uy sẽ tiếp tục tăng trưởng vững trong năm nay. Song, những khó khăn của nhà máy sản xuất bột giấy Tofte đang đặt ra những vấn đề cho nền kinh tế Na Uy. Nếu 300 lao động của nhà máy mất việc làm, số người thất nghiệp tại Na Uy sẽ bị đẩy lên 100.000 người, mức cao nhất trong 8 năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Na Uy là 3,5%, thấp hơn nhiều so với mức 8,2% tại Thụy Điển.

Bên cạnh đó, thị trường nhà đất đang đình trệ, các doanh nghiệp phá sản tăng 31,9% trong tháng 5/2013. Trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu giảm 2% trong 5 tháng đầu năm nay và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo giảm 13%. Một gánh nặng khác là tiền lương tại Na Uy đã tăng hơn 60% kể từ năm 2000, cao gấp 6 lần Đức hay Thụy Điển.

Theo cuộc khảo sát gần đây về lòng tin tiêu dùng nhất, các hộ gia đình vẫn tin tưởng vào tình hình tài chính của mình, song họ đã bắt đầu lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Nhà kinh tế trưởng Harald Magnus Andreassen, tại Swedbank First Securities nhận định có nguy cơ lớn giá nhà đất sẽ giảm trong 2-5 năm tới. Một nguy cơ đáng kể khác là giá dầu mỏ. Hiện lĩnh vực dầu mỏ đang đóng góp 1/4 GDP của nền kinh tế Na Uy và 1/2 kim ngạch xuất khẩu.

Các nhà kinh tế đánh giá, mặc dù lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ tại Na Uy đang ở mức kỷ lục, song việc giá dầu giảm xuống 100 USD/thùng so với mức trung bình 112 USD/thùng hồi năm ngoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều dự án.

Ngân hàng Trung ương Na Uy dự kiến kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 2,75% trong năm tới. Thặng dư ngân sách của Na Uy đang ở mức 11% GDP, nhờ mức thuế đánh vào lĩnh vực dầu mỏ cao nhất thế giới và nước này nắm trong tay nguồn quỹ dành cho hoạt động phúc lợi xã hội lên tới 720 tỷ USD (tương đương 144.000 USD tính bình quân trên đầu người).

Nguồn Chính Phủ


Sự kiện