Ngoại giao Nhật Bản thua Trung Quốc vì món tôm tẩm bột
Trong phiên họp quốc hội hồi đầu tháng nay, bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida cho biết trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc thì khá thoải mái trong chi tiêu khi thực hiện công cán hoặc sứ mệnh ở nước ngoài, thì phụ cấp chi tiêu cho các đại sứ quán Nhật Bản ở nước ngoài lại giảm tới 40% trong 1 thập kỷ qua.
Kết quả, mọi dịch vụ phục vụ cho công tác ngoại giao đều bị cắt giảm thê thảm. Các khách nước ngoài đến tham dự các sự kiện quan trọng, chẳng hạn như sinh nhật của hoàng đế, đã vô cùng phật lòng khi được phục vụ rượu sake và đồ ăn nhẹ hạng 2.
Thậm chí, một nhà ngoại giao Nhật Bản làm nhiệm vụ ở Trung Đông mới đây còn lên tiếng phàn nàn nơi ông làm việc không đủ khả năng phục vụ món tôm chiên tẩm bột rán hạng xoàng, khiến khách tới tham dự buổi tiệc không khỏi phật ý.
Ngược lại, các buổi tiệc do các nhà ngoại giao Trung Quốc tổ chức thì xa hoa hơn bao giờ hết. Một quan chức cấp bộ Nhật Bản mới đây than thở chỉ một sự khác biệt như thế thôi cũng cho thấy khoảng cách về lực và sức mạnh ngoại giao giữa 2 nước, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ căng thẳng như hiện tại.
Một nhà ngoại giáo khác thì cho biết đại sứ quán của Nhật Bản ở một quốc gia thuộc Tây Phi nằm gọn lỏn trong một tòa nhà nhiều người thuê mướn. Ở đây không có máy phát điện riêng và tình trạng mất điện thường xuyên diễn ra.
"Ngược lại, các nhà ngoại giao Trung Quốc thì được ở trong một tòa nhà sang trọng.. và khi quay lại nơi đó vài năm trước, tôi đã thấy ở đó có một tòa nhà to đẹp mọc lên", nhà ngoại giao này cho biết.
Một quan chức thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) mới đây cho rằng các món ăn trong buổi tiệc đôi khi phá hỏng công tác ngoại giao, bởi trong một số trường hợp, thức ăn quá dở khiến buổi tiệc tiếp đón phái đoàn ngoại giao nước ngoài mất hết ý nghĩa.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao khác chuyên phụ trách các vấn đề kinh tế thì cho rằng chất lượng món ăn hoặc rượu không quyết định tới chất lượng ngoại giao.
Trung Quốc hiện đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Song hành với đó, Bắc Kinh cũng bắt tay vào công cuộc cải tổ hoạt động ngoại giao, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các đối tác quốc tế, và coi đó như động thái để khuếch trương nền kinh tế thị trường của mình với thế giới.
Trái lại, sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế đã phần nào bị lu mờ kể từ khủng hoảng kinh tế thập niên 1980, khi chính phủ Nhật Bản còn dư dả tiền mặt cho các hoạt động ngoại giao ở nước ngoài.
Mặc dù phải thắt lưng buộc bụng, song Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ và viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới. Do đó, về khía cạnh nào đó, Nhật Bản vẫn có thể tự hào vì danh tiếng tích cực của mình trên trường quốc tế.