Nghị viện châu Âu ngừng cho phép Mỹ truy cập dữ liệu
Theo các nhà phân tích, mặc dù EP không đủ thẩm quyền để hủy bỏ thỏa thuận giữa châu Âu và Washington nếu không có sự chấp thuận của chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), song quyết định này phần nào cho thấy sự tức giận của châu Âu đối với chương trình giám sát dữ liệu của nước Mỹ.
Hoạt động chia sẻ dữ liệu giữa Mỹ và châu Âu chủ yếu thực hiện thông qua 2 chương trình "Theo dõi khủng bố tài chính" (TFTP) và "Hồ sơ khách du lịch" (PNR). 2 chương trình này đã tồn tại trong suốt 1 thập kỷ qua, bất chấp nhiều mối lo ngại về việc Washington được cấp quá nhiều quyền truy cập dữ liệu quan trọng của châu Âu.
Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đột ngột xấu đi sau sự kiện cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang tiến hành một chương trình giám sát điện thoại và Internet trên quy mô toàn thế giới, nhằm phát hiện trước các âm mưu khủng bố nhằm vào nước Mỹ.
Ngay sau khi thông tin này bị tiết lộ, nhiều nước châu Âu tỏ ra vô cùng tức giận, cũng như lo ngại quyền tự do Internet của công dân nước mình có thể bị đe dọa bởi chính quyền Mỹ. Một số thành viên EP thậm chí còn kêu gọi tạm ngừng các cuộc đàm phán về thương mại tự do (FTA) giữa EU và Mỹ nếu Washington không giải trình rõ ràng về chương trình gián điệp này.
Tuy nhiên, lời kêu gọi này nhanh chóng bị bác bỏ. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ đại diện cho khối 28 quốc gia khu vực để tiến hành đàm phán FTA với Washington.
Nguồn Reuters/Dân Việt