Nghi án gián điệp chấn động nước Đức
Theo Đài NDR, người đàn ông Đức ban đầu bị bắt vì tình nghi đang tìm cách liên lạc với cơ quan tình báo Nga. Tuy nhiên, người này đã khiến các nhà điều tra bất ngờ khi khai rằng đã chuyển thông tin mật cho phía Mỹ. Khám xét nhà riêng của nghi phạm, cảnh sát tìm thấy nhiều thông tin mật trong máy tính và USB, bao gồm cả thông tin liên quan tới Ủy ban Điều tra quốc hội Đức. Quốc hội Đức đã lập ủy ban điều tra gồm 9 thành viên trên hồi tháng 3 để đánh giá mức độ do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đối với công dân Đức cũng như điều tra mọi hoạt động của các cơ quan tình báo khác tại nước này.
Văn phòng công tố Liên bang Đức xác nhận người đàn ông 31 tuổi trên đã bị bắt giữ ngày 2/7 vì nghi ngờ làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài, theo AFP. Trong những năm 2012 - 2014, nghi phạm đã đánh cắp và lưu hơn 200 tài liệu tình báo của Đức vào USB để đem sang Áo đưa cho các điệp viên Mỹ, tờ Bild tường thuật. Nghi phạm đã thực hiện ít nhất 4 cuộc gặp như vậy tại Áo và dự kiến sẽ có một cuộc hẹn khác tại thủ đô Prague của CH Czech trong tuần tới.
Tờ Bild khẳng định nghi phạm đã được trả khoảng 34.000 USD cho các tài liệu trên và nhận hướng dẫn trực tiếp từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Thế nhưng, theo Reuters dẫn lời một chính trị gia giấu tên thì người đàn ông hành động tự nguyện. Tuy vậy, các nhà điều tra Đức không loại trừ khả năng nghi phạm làm việc cho một cơ quan tình báo nước ngoài đối địch và có thể cung cấp thông tin giả để hủy hoại quan hệ đồng minh Mỹ - Đức. Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Berlin John Emerson vào ngày 4/7 với yêu cầu làm rõ vụ việc, theo BBC. Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận.
Berlin hiện khẩn trương điều tra vụ việc và nếu đây là sự thật thì xem như mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai bên trong thời gian qua sẽ trở nên vô nghĩa. Quan hệ Mỹ - Đức trở nên xấu đi sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ về chương trình do thám khổng lồ của NSA nhằm vào công dân Đức và cả Thủ tướng Angela Merkel.
Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Berlin sẽ đợi kết quả điều tra của cảnh sát trước khi có phản ứng nhưng sẽ không xem nhẹ vụ việc. Chủ tịch Ủy ban Điều tra về NSA của quốc hội Đức Christian Flisek còn tuyên bố nếu mọi nghi ngờ trở thành hiện thực thì mức độ tin cậy của nước này đối với Mỹ sẽ trở về con số 0 tròn trĩnh và kéo theo nhiều hệ lụy chính trị.
BBC nhận định một trong các hệ lụy đó có thể là Washington sẽ mất đi sự hậu thuẫn từ Berlin trong các nỗ lực phản đối hoạt động Nga tại Ukraine hay trong việc kiểm soát tham vọng hạt nhân của Iran.
Nguồn Thanh Niên