Thứ Sáu | 01/11/2013 15:17
"Ngày đen tối" của Eurozone
Dữ liệu kinh tế yếu của khu vực Eurozone và những chỉ trích của Bộ Tài chính Mỹ nhằm vào Đức đến trong cùng một "ngày đen tối" 31/10.
Nguy cơ giảm phát
Hôm qua 31/10, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố tỷ lệ lạm phát khu vực Eurozone giảm còn 0,7% trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009. Đối với ECB, con số 0,7% quá thấp so với tỷ lệ mục tiêu 2%.
Những áp lực tiếp tục hạ lãi suất ngày càng tăng cao khi chính sách nới lỏng tiền tệ của ECB tỏ ra không hiệu quả với mục tiêu lạm phát. Thậm chí, nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại về tình trạng giảm phát đang cận kề.
Không những chính sách hạ lãi suất của ECB không hiệu quả, mà chính sách kinh tế của Đức cũng bị Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích trong cùng ngày 31/10. Mỹ cho rằng, mô hình kinh tế của Đức dựa quá nhiều vào xuất khẩu nhưng nhu cầu nội địa lại tăng trưởng chậm, khiến cho chính sách tiền tệ tỏ ra "bất lực" với lạm phát.
Về xuất khẩu, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra bằng chứng "Đức đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai lớn trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu và cả trong năm 2012" và "con số danh nghĩa của Đức còn lớn hơn cả Trung Quốc".
Bên cạnh đó, tăng trưởng yếu trong nhu cầu nội địa không khuyến khích nhập khẩu và cản trở sự tăng trưởng chung của toàn khối Eurozone.
Thất nghiệp cao kỷ lục
Không chỉ nguy cơ giảm phát, khu vực Eurozone còn đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Số liệu mới công bố hôm qua của Eurostat cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp khu vực Eurozone trong tháng 9 đã lên mức cao kỉ lục kể từ khi Eurozone ra đời (12,2%).
Chính sách hạ lãi suất là một trong phương pháp hiệu quả để ECB giải quyết cả hai vấn đề lạm phát và thất nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc mà ECB gặp phải chính là cơ chế truyền dẫn của công cụ lãi suất chưa thực sự đi vào nền kinh tế thực. Với tỷ lệ lãi suất được duy trì ở mức thấp nhất lịch sử, đồng euro vẫn mạnh lên. Ngay cả khi đồng tiền tăng giá khiến cho giá năng lượng giảm mạnh, cũng không khuyến khích tăng trưởng sản xuất toàn khối hồi phục trở lại.
Khó khăn chồng chất, khi trong nội bộ Hội đồng điều hành ECB cũng có nhiều quan điểm trái ngược trong chính sách tiền tệ: tiếp tục một đợt tái cấp vốn dài hạn (LTRO), cắt giảm lãi suất hơn nữa hay không thay đổi gì cả. Hôm nay 1/11, đợt kiểm tra toàn bộ 128 ngân hàng tại Eurozone sắp sửa bắt đầu, chắc chắn kết quả của những bài "stress test" sẽ còn làm cho lãnh đạo ECB phải đau đầu hơn nữa.
Nên nhớ rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem là cải cách lớn nhất của Chủ tịch ECB Mario Draghi và cũng là thách thức khó khăn nhất khi Eurozone có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của tình trạng giảm phát hay "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản.
Nguồn Dân Việt