Dự đoán tăng trưởng GDP Mỹ sẽ lao dốc 11% vào cuối năm nay, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1946. Ảnh: NYTimes
Ngay cả khi kết thúc phong tỏa, nỗi đau kinh tế Mỹ vẫn còn dai dẳng
Ông Walter Isenberg là dạng chủ doanh nghiệp mà Tổng thống Donald Trump nghĩ tới khi bàn về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, ông Isenberg buồn lòng khi chứng kiến doanh thu của Sage Hospitality Group - chuỗi khách sạn và nhà hàng - giảm từ 3 triệu USD/ngày (trong năm 2019) xuống còn 40.000 USD/ngày như hiện nay.
Thế nhưng, không như Tổng thống Mỹ, ông Isenberg không hy vọng công ty sẽ phất trở lại nhanh chóng, ngay cả sau khi các quan chức Mỹ cho phép nhà hàng và khách sạn của ông đón khách trở lại.
“Mọi thứ sẽ hồi phục từ từ và dài dẳng cho đến khi có giải pháp chữa trị hoặc vaccine”, ông Isenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi không nhận thấy tâm lý đó ở nơi người dân – kiểu như hối hả đi du lịch và tổ chức hội nghị lớn”. Ông cũng mới cho nghỉ tạm thời hơn 5.000 nhân viên (trong tổng số 6.000 nhân viên).
Tổng thống Mỹ đang rất muốn gỡ bỏ lệnh cách ly tại nhà – một yếu tố đã làm tê liệt cả nền kinh tế Mỹ và đột ngột chấm dứt đà tăng trưởng kinh tế 11 năm qua, cũng như đẩy hàng triệu người vào tình trạng thất nghiệp. Ông Trump đưa ra dự báo, một khi khởi động lại, nền kinh tế sẽ nhanh chóng thoát khỏi suy thoái và chứng kiến sự bùng nổ kinh tế “như chưa từng có”.
Rối bời trước tình cảnh dịch bệnh, các đại diện công ty nhận định rằng khởi động lại nền kinh tế không hề dễ dàng như vậy. Đó cũng là kết quả thể hiện qua dữ liệu kinh tế và các cuộc khảo sát, cụ thể cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi chậm chạp ngay cả sau khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các giới hạn về tụ tập nơi công cộng và cho phép một số nhà hàng và cửa hàng mở cửa trở lại.
Không chỉ các lệnh cách ly tại nhà và các biện pháp kiểm soát khác đã làm tê liệt hoạt động kinh tế của nước Mỹ trong tháng qua, chính nỗi lo sợ mắc bệnh của người dân cũng khiến nền kinh tế chậm hồi phục.
Thống kê chỉ ra rằng hàng triệu người lao động xin trợ cấp thất nghiệp và doanh thu nhà hàng lao dốc trước khi các bang ra lệnh đóng cửa, bởi người tiêu dùng “trốn” trong nhà. Như vậy, người tiêu dùng Mỹ khó lòng quay trở lại các sân bay, nhà hàng và phòng tập thể dục ngay sau khi chúng nối lại hoạt động.
Dự báo tăng trưởng kinh tế các nước với tác động của dịch bệnh COVID-19. |
Nhiều chuyên gia và chủ doanh nghiệp cho rằng sẽ không có chuyện phục hồi nhanh chóng, cho đến khi người dân Mỹ tự tin rằng rủi ro lây nhiễm COVID-19 đã giảm mạnh thông qua xét nghiệm trên diện rộng hoặc có vắc-xin.
“Không thể cứ bật đèn xanh và kéo mọi người trở lại làm việc được, dù rằng các doanh nghiệp đều muốn làm thế”, bà Suzanne Clark, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, cho biết. “Nền kinh tế sẽ phục hồi từ từ. Đi từ đèn đỏ chuyển sang đèn vàng, rồi mới tới đèn xanh”. “Sẽ là rất tốt nếu chính phủ bật đèn vàng. Nhưng vấn đề là mọi người có cảm thấy an toàn không”, bà Clark nhận định.
Người dân chưa sẵn sàng
Ông Trump nóng ruột muốn sớm gỡ bỏ cách biện pháp giãn cách xã hội khi cuộc khủng hoảng hiện tại đã đẩy hơn 16 triệu người mất việc trong 3 tuần vừa qua. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định một cuộc suy thoái đã bắt đầu, vấn đề chỉ là mức độ và ảnh hưởng của nó.
Theo báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, các nhà kinh tế thuộc Đại học Northwestern, Stanford, Chicago và Boston dự đoán tăng trưởng GDP Mỹ sẽ lao dốc 11% vào cuối năm nay, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1946.
Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng trong ngày 13.4, Tổng thống Trump tuyên bố Washington “gần hoàn thành kế hoạch mở cửa đất nước, hy vọng là trước thời hạn”. Ông cho biết sẽ “sớm hoàn thiện các hướng dẫn mới và quan trọng để các thống đốc bang bắt đầu mở cửa một cách an toàn”.
Người dân đổ xô mua trữ thực phẩm. |
Ông Trump nói thêm: “Chúng ta đều muốn gỡ bỏ lệnh giới hạn một cách cực kỳ, cực kỳ an toàn. Nhưng người Mỹ rất muốn quay lại làm việc”.
Dù vậy, nhiều nhà kinh tế cảnh báo việc vội vàng quay lại cuộc sống bình thường quá nhanh mà không có các biện pháp bảo vệ cần thiết để đối phó với "làn sóng bùng phát virus thứ hai" sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, sau khi chính quyền nới lỏng hạn chế, số ca nhiễm tăng trở lại ở Trung Quốc, Singapore và Hồng Kông. Nỗi bất an đã “kìm chân” hoạt động kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở cả những bang không bị áp đặt lệnh hạn chế.
“Các bang chưa bị áp lệnh phong tỏa vẫn chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt”, ông Ernie Tedeschi, CEO Evercore ISI, nhận định. “Vết thương không chỉ sâu, mà còn rộng. Đại dịch là vấn đề nghiêm trọng nhất của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại”.
Các lệnh cách ly không được áp dụng giống nhau ở tất cả các bang, thậm chí có một số bang ở Mỹ không ban bố lệnh cách ly. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại mọi bang đều tăng lên trong vài tuần qua. Những nơi giãn cách xã hội gắt gao hơn có tỷ lệ thất nghiệp trên 23%. Và bán lẻ sụt giảm ngay trước khi các biện pháp kiểm dịch được áp dụng.
Kết quả khảo sát trực tuyến của công ty Civis Analytics trong 2 tuần qua cho thấy cứ 10 người Mỹ thì 8 người ủng hộ lệnh cấm mở cửa các nhà hàng và phòng tập gym. Đồng thời, cũng từng đó người ủng hộ tiếp tục triển khai phong tỏa.
Ông Jon Last, Chủ tịch Sports & Leisure Research Group, cho biết sụt giảm trong kế hoạch chi tiêu của người Mỹ với các hoạt động giải trí và du lịch vượt xa những gì đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và vụ tấn công khủng bố 11.9.2001. “Mọi người thực sự e dè với việc trở lại cuộc sống bình thường”, ông Last nhấn mạnh.
Ông Isenberg, chủ Tập đoàn Sage, cho biết rất mong muốn nhân viên làm việc trở lại. Nhưng ông nghĩ ngành này sẽ còn khó khăn đến cuối năm nay. Dù vậy, ông vẫn hy vọng: “Mỗi sáng thức dậy là chúng ta sẽ gần thời điểm có vắc-xin thêm một ngày”.
Nguồn NewYork Times