Các doanh nghiệp Đức đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang nước ngoài. Ảnh: WSJ.

 
Khánh Tú Thứ Ba | 27/06/2023 16:22

Ngành sản xuất trở thành "lực cản" với nền kinh tế Đức

Từng là động cơ tăng trưởng lớn nhất, giờ đây ngành sản xuất trở thành vật cản đối với sự tăng trưởng của cường quốc châu Âu.

Ngành sản xuất từ trước vẫn luôn là động cơ tăng trưởng lớn nhất của Đức, nhưng giờ lại trở thành lực cản đối với sự phát triển của quốc gia này. Trước đây, khi quốc gia lớn nhất châu Âu phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế, những nhà máy sản xuất chính là “tường thành” giúp đất nước vượt ra khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, theo hãng tin Wall Street Journal, điều này đã không còn đủ sức mạnh để chống chịu trong bối cảnh hiện tại.

Thế cạnh tranh suy yếu

Năm ngoái, giá năng lượng tăng mạnh đã khiến hàng hóa sản xuất trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, lạm phát và lãi suất tăng cao trên khắp thế giới đã tạo ra làn sóng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia.

 

Ông Matthias Zachert, CEO của Lanxess, một công ty hóa chất tại Đức, cho biết công ty của ông phải cắt giảm mức lợi nhuận được ước tính trong năm 2023 giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức. “Khả năng cạnh tranh của Đức không còn ổn định khi sức mua từ thị trường tiêu dùng sụt giảm”, ông Matthias nói thêm.

Các nhà máy sản xuất tại Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Các lệnh trừng phạt đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên từ Nga vào Đức. Được biết trong năm 2021, nguồn cung chính của hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập vào Đức là từ Nga. Tháng 4/2023, sản lượng lĩnh vực sản xuất của Đức đã giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một áp lực đang đè nặng lên nền kinh tế Đức. Đất nước tỉ dân là thị trường quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu, tuy nhiên Trung Quốc lại sa lầy trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng phục hồi kinh tế không được như kỳ vọng. 

Theo hãng tin Wall Street Journal, nếu không tính Nga, Đức là thành viên duy nhất của G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) có GDP quý I/2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khi giảm 0,5%. Sự đi xuống của nền kinh tế Đức là một trong những yếu tố đẩy khu vực đồng euro rơi vào cuộc suy thoái hồi đầu năm nay.

Cái khó từ bên trong

Bên cạnh các yếu tố khách quan, thay đổi cấu trúc của ngành sản xuất cũng là một thách thức mà Đức đang phải đối mặt. Cái khó của vấn đề này đến từ sự tốn kém khi thế giới có xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu hụt nhân công trong sản xuất.

Trước tình cảnh hoạt động nội địa không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Đức đã quyết định di dời nhà máy sang quốc gia khác. Đơn cử như BASF, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất của Đức, cho biết Công ty đang lên kế hoạch đóng cửa các bộ phận của nhà máy tại thành phố Ludwigshafen để chuyển đến Bỉ và Pháp.

Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một trong những yếu tố khiến ngành sản xuất Đức gặp khó khăn. Ảnh: WSJ.
Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một trong những yếu tố khiến ngành sản xuất Đức gặp khó khăn. Ảnh: WSJ.

Theo khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Liên bang Đức, 16% trong số 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát cho biết đã chuyển các dây chuyền sản xuất sang nước ngoài. 30% khác cũng đang cân nhắc với quyết định trên.

Một khảo sát khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết ngành sản xuất chiếm 19% GDP năm 2021 của Đức. Con số này cao gần gấp đôi so với ở Mỹ, Anh hoặc Pháp. Với một nền kinh tế phát triển lớn như vậy, sự phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu là điều tương đối bất ổn. Điều này vô hình trung khiến Đức trở nên giống công xưởng thế giới, Trung Quốc, hơn là một quốc gia châu Âu.

Trong suốt nhiều thập kỷ, Đức luôn là một trong những nước xuất khẩu lớn của thế giới. Vào những năm đầu của thập kỷ mới, cường quốc châu Âu đã vượt qua Mỹ và Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên từ năm 2016, mức thặng dư đã có xu hướng giảm dần cho đến ngưỡng thấp nhất chưa từng có kể từ năm 2000. 

Những năm đầu của thập kỷ mới, Đức là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ảnh: WSJ.
Những năm đầu của thập kỷ mới, Đức là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ảnh: WSJ.

Những biến động của ngành sản xuất cũng khiến các trụ cột khác của nền kinh tế Đức, bao gồm ngành tiêu dùng và dịch vụ, chao đảo ít nhiều. Việc nước này rơi vào cuộc suy thoái hồi cuối tháng 5/2023 cho thấy mức độ ảnh hưởng từ sự sụt giảm trong chi tiêu hộ gia đình giữa bối cảnh các hóa đơn lương thực và năng lượng tăng vọt.

“Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm tiêu dùng đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Doanh số bán hàng ở Đức giảm 9% trong năm tài chính vừa qua”, ông Alexander Birken, Giám đốc Điều hành Otto Group tại Hamburg (Đức), cho biết.

Song, các số liệu kinh tế toàn cầu gần đây cho thấy xu hướng lạm phát hằng năm giảm và tiền lương tăng khiến nhiều người tin rằng các hộ gia đình có thể chi tiêu trở lại trong 5 tháng cuối năm 2023. Theo giới phân tích, với khả năng này, Đức có thể vượt ra cuộc suy thoái sâu.

Viện nghiên cứu Ifo từng dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% trong năm 2023, so với mức tăng trưởng 0,6% trong khu vực đồng euro. Nhưng gần đây, tổ chức này đã thay đổi ý kiến và kỳ vọng kinh tế Đức sẽ có những bước tiến triển tích cực hơn trong những tháng còn lại của năm.

Có thể bạn quan tâm:

Kinh doanh xe điện bùng nổ nhờ nhu cầu tăng cao

Nguồn WSJ