Thứ Ba | 17/07/2012 08:12

Ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc bị đe dọa bởi đình công

Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Hàn Quốc gồm Hyundai, Kia và General Motors đang phải đối mặt với tổn thất nghiêm trọng do công nhân đình công.
Công đoàn của 3 hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc này hôm qua 17/7 cho biết sẽ mở rộng các cuộc đình công, khiến tình trạng bất ổn lao động gia tăng sau nhiều năm tương đối yên bình.

Công nhân ở Tập đoàn Hyundai - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc và Tập đoàn Kia cho biết sẽ tổ chức các cuộc đình công kéo dài 8 tiếng vào ngày 20/7 trừ khi các công ty này đồng ý tăng lương và tạo điều kiện làm việc tốt hơn.

Trong khi đó, công nhân tại chi nhánh General Motors (GM) ở Hàn Quốc cũng lên kế hoạch đình công trong nhiều giờ vào 2 ngày 19 và 20/7. Công đoàn của GM đã tổ chức nhiều cuộc đình công tương tự trong 3 ngày vào đầu tháng này.

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc đình công diễn ra tương đối ngắn, do đó sản phẩm có thể được tạo ra thông qua làm việc ngoài giờ. Tuy nhiên, nếu tranh chấp tiếp diễn vào tháng 8, doanh số bán hàng trong quý III của các công ty sẽ bị ảnh hưởng.

Công đoàn tại Hyundai và Kia yêu cầu tăng lương hàng tháng thêm 151.696 won (133 USD) và hưởng 30% lợi nhuận ròng của công ty theo các khoản thưởng. Đồng thời, các công đoàn cũng yêu cầu kết thúc đổi ca đêm, tức là tất cả nhân viên rời khỏi dây chuyền lắp ráp trước nửa đêm sau 8 tiếng làm việc. Các công nhân còn muốn nhà máy chuyển ca làm việc từ 12 tiếng giảm xuống 8 tiếng.

Theo ước tính, các cuộc đình công đầu tiên trong 3 năm (đối với Hyundai) và 2 năm (đối với Kia) diễn ra vào ngày 13/7 đã khiến tổng cộng 7.000 chiếc xe của cả 2 hãng không được xuất xưởng, gây tổn thất 135 tỷ won (118 tỷ USD).

Trong khi đó, các cuộc đình công yêu cầu tăng lương hàng tháng thêm 151.696 won, chuyển sang hệ thống làm việc 2 ca đồng thời đòi tiền thưởng tương đương 5 tháng làm việc diễn ra gần đây đã gây tổn thất 3.700 chiếc xe đối với hãng GM.

Cho Seung-woo tại Woori Investment & Securities cho biết "Để áp dụng hệ thống chỉ làm việc ban ngày, công nhân sẽ phải nâng cao năng suất bằng cách tăng số lượng xe tạo ra trong mỗi giờ hoặc công ty sẽ phải mở rộng năng suất sản xuất bằng cách thuê thêm lao động". Tuy nhiên sẽ "rất khó để các nhà quản lý và công đoàn tìm thấy điểm chung" bởi các công ty đều nhận thấy rằng việc thay đổi trên sẽ dẫn đến giảm sản lượng trong khi nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ và hàng tồn kho thấp, ông Cho Seung-woo nói thêm.

Nguồn Fox Business/DVT


Sự kiện