Một số cây đàn piano tại phòng trưng bày ở Bắc Kinh vào đầu tháng 2 đã giảm giá tới 30%. Ảnh: Xinhua.
Ngành Piano Trung Quốc đã đến ngày tàn?
Cô Rosie không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho cô con gái 7 tuổi của mình ngưng học trong năm nay. Thu nhập mà cô kiếm được khi tổ chức các chuyến du lịch quốc tế cho du khách Trung Quốc đã bốc hơi trong thời kỳ đại dịch, trong khi lương và tiền thưởng của chồng cô khi làm nhân viên ngân hàng đã giảm một nửa trong 2 năm qua do sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý trong ngành tài chính Trung Quốc.
“Học chơi piano tốn rất nhiều tiền trong khi tình hình kinh tế thì bi quan”, cô Rosie, một người dân Bắc Kinh, cho biết.
Từng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội, đàn piano dường như đang mất dần sức ảnh hưởng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các hộ gia đình trung lưu. Một trong những nhà sản xuất đàn piano lớn nhất nước Mỹ đã cảnh báo rằng doanh số bán hàng đang giảm 2 chữ số. Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc (CMIA), một tổ chức thương mại trực thuộc chính phủ, tổng sản lượng nội địa năm ngoái đã giảm xuống còn 190.000, chỉ bằng một nửa con số được sản xuất 4 năm trước.
Số lượng Piano được sản xuất tại Trung Quốc (ngàn chiếc). Ảnh: Bloomberg. |
Thủ phạm chính là thu nhập và tài sản bị siết chặt do nền kinh tế chậm lại, giá nhà giảm và tình trạng hỗn loạn kéo dài trên thị trường chứng khoán. Cú sốc kép khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm những khoản mua sắm lớn không cần thiết.
Theo một cuộc khảo sát do Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam và Alipay thực hiện, thước đo về sự giàu có và thu nhập tỉ lệ hộ gia đình dự kiến nền kinh tế sẽ xấu đi trong năm tới đã tăng lên gần 22% trong quý IV, tăng từ khoảng 13% trong quý đầu tiên. Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Úc & New Zealand Banking, cho biết: “Cũng giống như các hàng hóa lâu bền khác, bao gồm ô tô và đồ gia dụng, doanh số bán đàn piano bị ảnh hưởng bởi thu nhập và tài sản của người dân".
Yếu tố dân số ngày càng thu hẹp, các tiêu chuẩn về giáo dục thay đổi và sự do dự ngày càng tăng trong việc tiếp nhận các nền tảng văn hóa phương Tây ở Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã khiến sự sụt giảm về doanh số và sản lượng đàn piano khó có thể đảo ngược.
Vào thiên niên kỷ mới, đàn piano và mối liên hệ của nó với sự giàu có của tầng lớp trung lưu đã phổ biến khắp nơi. Ông Fang Baili, Giáo sư piano cấp cao tại Nhạc viện Thượng Hải, ước tính vào năm 2021 rằng Trung Quốc có 60 triệu người học piano, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Sự quan tâm bùng nổ đối với nhạc cụ này cũng thu hút sự chú ý của một số nhà sản xuất đàn piano nổi tiếng nhất thế giới. Ông Ron Losby, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Steinway & Sons có trụ sở tại New York, vào năm 2020 chia sẻ rằng: “Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Steinway và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới”. Tổng sản lượng piano hàng năm liên tục vượt quá 300.000, ít nhất là từ năm 2003 đến năm 2019, theo CMIA.
Phát biểu với Tân Hoa Xã hồi đầu tháng này, Chủ tịch CMIA Wang Shi Cheng cho rằng, sự sụt giảm mạnh là do nhu cầu đối với những mặt hàng không thiết yếu của người tiêu dùng bị thu hẹp.
Việc giảm giá mạnh vẫn chưa đủ để thu hút người mua tiềm năng. Một số cây đàn piano tại phòng trưng bày ở Bắc Kinh vào đầu tháng 2 đã giảm giá tới 30%, tuy nhiên cửa hàng vẫn hoàn toàn vắng khách. “Tôi chưa từng thấy mức giảm giá như vậy trong hơn 10 năm làm việc trong ngành”, một trợ lý cửa hàng cho biết, đồng thời tiết lộ thêm rằng doanh số bán hàng vào năm 2023 còn tệ hơn cả thời kỳ đại dịch.
Cô Lucy Cheng, người đã vung tiền mua một cây đàn piano Yamaha mới và những khóa học cho con trai mình với số tiền khoảng 13.000 USD trong 3 năm với hy vọng giúp cậu bé vượt qua một loạt kỳ thi âm nhạc, cho biết: “Thật là lãng phí thời gian và tiền bạc". Cô ước tính đã chi 28-53 USD/tuần cho các lớp học đàn, trong khi con cô chẳng mấy nhiệt tình hay có năng khiếu. Sau khi lương của chồng cô tại một công ty công nghệ bị cắt vào năm ngoái, việc bỏ chơi piano dường như là một lựa chọn hiển nhiên.
Các chuẩn mực văn hóa cũng có thể góp phần vào sự sụt giảm này. Căng thẳng với phương Tây đã gia tăng trong vài năm qua dưới thời Chủ tịch Tập, người đã kêu gọi người dân Trung Quốc bảo tồn “gen văn hóa” của đất nước. Là một phần của nỗ lực đó, ngày càng có nhiều phụ huynh đăng ký cho con học nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, một loại đàn tam thập lục có lịch sử khoảng 2.000 năm.
Áp lực học tập cũng là một yếu tố khác đối với Rosie khi cô cho phép con gái bỏ piano. “Con bé cần dành nhiều thời gian hơn cho các khóa học ở trường”, cô nói.
CMIA dự kiến sản lượng đàn piano hàng năm sẽ ổn định ở mức 200.000-250.000 trong những năm tới. Trong khi một số bậc cha mẹ đang tranh luận về giá trị của việc dạy piano cho con mình nhưng vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ.
Có thể bạn quan tâm:
Giới trẻ Trung Quốc đang tạo ra dư địa khổng lồ cho ngành công nghiệp nước hoa
Nguồn Bloomberg