Các đơn đặt hàng mang đi vẫn ở mức cao mặc dù các nhà hàng đã hoàn toàn mở cửa trở lại. Ảnh: Bloomberg.

 
Mỹ Quyên Thứ Ba | 28/02/2023 16:02

Ngành nhà hàng Mỹ vẫn "khốn đốn" hậu COVID-19

Điều hành một nhà hàng chưa bao giờ dễ dàng và trong những năm gần đây điều đó còn khó hơn bội phần.

Vào năm 2020, các hạn chế của COVID-19 khiến ngành công nghiệp nhà hàng đầy hối hả của nước Mỹ phải tạm dừng. Kể từ đó, đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể: hàng quán mở cửa trở lại và khách hàng tấp nập ghé các tiệm cà phê, địa điểm ăn uống cao cấp hoặc cửa hàng thức ăn nhanh.

Nhưng ngày nay, có ít nhà hàng ở Mỹ hơn so với năm 2019 và không ai rõ khi nào con số trước đây sẽ quay trở lại.

Một nhà hàng trống trải ở Brooklyn, New York vào năm 2020. Ảnh: Getty Images.
Một nhà hàng trống trải ở Brooklyn, New York vào năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Năm 2022, có khoảng 631.000 nhà hàng ở Mỹ, theo dữ liệu từ Technomic, một công ty nghiên cứu về nhà hàng. Con số này ít hơn khoảng 72.000 so với năm 2019, khi có 703.000 nhà hàng trên cả nước.

Số lượng nhà hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm hơn nữa trong năm nay, xuống còn khoảng 630.000 hàng quán, theo Technomic. Cơ quan này cũng dự báo thậm chí vào năm 2026, số lượng nhà hàng ở Mỹ cũng chưa đạt được mức như trước đại dịch.

 

Đặc biệt, các nhà hàng ăn uống tại chỗ đang gặp bất lợi vì dịch vụ giao hàng và mang đi ngày càng phổ biến. Và với lạm phát vẫn còn cao, một số khách hàng tiềm năng đang tránh ra ngoài ăn để tiết kiệm tiền. Trong khi đó, các chủ nhà hàng cũng bị đè nặng bởi các chi phí chứ không chỉ người tiêu dùng, như việc tiền thuê nhà và tiền nguyên vật liệu liên tục tăng, chưa kể đến rất khó để thuê nhân viên.

Với những điều kiện kinh doanh quá hà khắc, một số chủ nhà hàng khuyên những người mới nên tránh xa ngành này.

Nếu ai đó hỏi ông David Nayfeld, một đầu bếp kiêm chủ sở hữu nhà hàng Che Fico ở San Francisco, liệu có nên mở một nhà hàng mới ở thời điểm hiện tại hay không, câu trả lời chắc chắn là không.

Ông nói: “Thời điểm này không phù hợp để mở một nhà hàng nếu bạn không phải là một người chủ dày dặn kinh nghiệm và cực kỳ nhẫn nại. Đặc biệt là hiện nay, khi các nhà điều hành nhà hàng cần có kinh nghiệm và túi tiền rủng rỉnh để duy trì hoạt động kinh doanh”.

Ngay cả ông Nayfeld, bản thân là một “chiến binh” kỳ cựu trong ngành, cũng đang gặp khó khăn. Ông nói: “Một vài năm đại dịch là khoảng thời gian đủ tàn khốc mà hiện tại chúng tôi vẫn đang phải cố gắng để vượt qua”.

Ông David Henkes, từ Technomic, cho biết: “Trước đại dịch thì ngành nhà hàng quá bão hòa, chúng ta có nhiều doanh nghiệp nhưng lại có quá ít nhu cầu tiêu dùng”.

Thật vậy, trước khi xảy ra đại dịch, số lượng nhà hàng đã tăng từ 0,5-1% mỗi năm, ông nói thêm rằng sự sụt giảm gần đây sẽ giúp “thiết lập lại” quy mô của thị trường. 

Mọi người đi bộ trước một nhà hàng đóng cửa gần Quảng trường Thời đại vào ngày 24 tháng 1 năm 2023 tại Thành phố New York.
Người dân đi lại trước một nhà hàng đóng cửa gần Quảng trường Thời đại vào ngày 24/1/2023 tại Thành phố New York. Ảnh: Getty Images.

Xu hướng mua đồ ăn mang đi và giao hàng tận nơi trong thời kỳ đại dịch đã giúp nhiều nhà hàng sống sót.

Theo đơn vị tư vấn nhà hàng Revenue Management Solutions, mức độ đơn đặt hàng mang về chiếm phần cao hơn, tăng 11,4% trong các nhà hàng thức ăn nhanh vào tháng 1 so với năm ngoái.

Bên cạnh xu hướng bán đồ ăn mang đi, việc ngồi ăn tại chỗ đắt đỏ hơn cũng khiến khách hàng quay lưng, ông David Portalatin, cố vấn ngành dịch vụ thực phẩm của NPD Group, cho biết. Ngay cả khi giá thực phẩm tăng cao, ăn ở nhà nhìn chung vẫn rẻ hơn so với đi ăn ngoài. Một vấn đề nữa đối với các nhà hàng phục vụ tại chỗ là thiếu hụt lao động. Nhiều chủ cửa hàng đang than thở rằng họ gặp khó khăn trong việc thuê nhân viên.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố trong tháng này, cơ hội việc làm trong các dịch vụ lưu trú và ăn uống đã tăng 409.000 vị trí trong tháng 12. Đây là mức tăng hằng tháng lớn nhất ở lĩnh vực này.

Các nhà hàng và khách sạn ồ ạt tuyển dụng sau khi sa thải hàng loạt trong thời kỳ đại dịch. Một số nhân viên cũng tự nguyện bỏ việc vì lo sợ lây nhiễm COVID-19 trong quá trình phục vụ khách hàng.

Đến giờ, nhiều người không trở lại ngành công nghiệp nhà hàng. Cũng trong bối cảnh đó, các chủ nhà hàng lại không hứng thú đến việc tăng lương, điều này khiến chính doanh nghiệp của họ phải chật vật sắp xếp công việc.

Có thể bạn quan tâm: 

Doanh nghiệp toàn cầu tìm nơi "soán ngôi" Trung Quốc

Nguồn CNN