Ngành ngân hàng không còn khả năng vực dậy kinh tế Trung Quốc
Bên cạnh đó, các ngân hàng Trung Quốc không sẵn sàng cho vay đối với các công ty trong các lĩnh vực đang gặp khó khăn - như các công ty xuất khẩu, hoặc các công ty không nhận được ưu đãi của chính phủ như công ty bất động sản. Ngoài ra, việc chuyển đổi các khoản vay sang các lĩnh vực ưu tiên mới như các doanh nghiệp nhỏ trên thực tế cũng gặp không ít khó khăn.
Hệ quả là, các ngân hàng Trung Quốc không thể thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc như những gì họ đã làm trong quá khứ.
Nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Barclays Capital, ông Yiping Huang cho rằng:"Sự ổn định hoặc phát triển của các ngân hàng là vô cùng quan trọng để có thể hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ổn định."
Tuy nhiên, các khoản vay trung và dài hạn của Trung Quốc, một biện pháp quan trọng để thu hút đầu tư, đã bắt đầu có xu hướng suy giảm kể từ đầu năm 2010. Dữ liệu kinh tế tháng 4/2012 vừa được công bố cho thấy, các khoản cho vay trung và dài hạn đạt 126,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ USD), giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quá khứ, hoạt động cho vay suy yếu phản ánh những động thái có chủ ý của chính phủ nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lần này, ngay cả trước khi PBOC cho cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, với mục tiêu giải phóng nhiều tiền hơn cho hoạt động cho vay, các quỹ trong hệ thống ngân hàng dường như vẫn còn giữ rất nhiều tiền.
Ông Huang cho biết PBOC đang ép các ngân hàng thương mại rót các khoản vay cho các kế hoạch về cơ sở hạ tầng, bao gồm các dự án đường sắt, điện, nước, song những dự án dài hạn như vậy lại cần phải có thời gian. Các giám đốc ngân hàng cho biết họ muốn mở rộng các chi nhánh và cho vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất tiên tiến và giáo dục - một ưu tiên khác của Bắc Kinh. Do đó, các ngân hàng không thể kiếm đủ khách hàng vay nợ.
"Do sự bất ổn trong tăng trưởng ngày càng tăng của nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp không muốn vay thêm. Thay vào đó, họ quyết định dừng dự án hoặc hoãn các kế hoạch mở rộng," giám đốc một trong những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cho biết.
Sự ngần ngại đi vay của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, từ các nhà sản xuất thép lớn đang vật lộn với sản phẩm dư thừa cho tới các nhà xuất khẩu nhỏ đang cố gắng chờ đợi thời điểm cuộc khủng hoảng châu Âu dịu đi.
Chi phí vốn cao kết hợp với lợi nhuận giảm càng làm vấn đề thêm nghiêm trọng. Trong nhiều năm, các nhà phê bình Trung Quốc tại Mỹ và châu Âu đã cáo buộc Bắc Kinh giữ lãi suất thấp để bảo hộ cho các doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng kinh tế chậm lại đang bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp Trung Quốc, các khoản vay dường như là rất tốn kém.
Theo các số liệu từ Wind, nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các công ty được niêm yết tại Trung Quốc giảm từ 11,6% xuống còn 6,7% trong năm 2011. Với việc lãi suất cho vay trong 1 năm của Trung Quốc ở mức 6,6%, chi phí vốn đối của một vài công ty Trung Quốc còn cao hơn lợi nhuận mà họ hy vọng thu về.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm còn 8,1% trong quý I/2012, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Bên cạnh đó, một loạt chỉ số kinh tế tháng 4 - từ sản lượng điện cho tới nhu cầu xuất khẩu sản phẩm - cho thấy nền kinh tế sẽ còn sụt giảm trong quý II.
Về lâu dài, Trung Quốc muốn chuyển đổi nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, chuyển sang tập trung vào tiêu dùng trong nước, thậm chí chấp nhận tăng trưởng chậm hơn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có một mục tiêu ngắn hạn quan trọng hơn: Giữ tăng trưởng đủ cao để tỷ lệ thất nghiệp không tăng. Đó là mối quan tâm đặc trong năm khi Trung Quốc đang hướng đến một sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo quan trọng trong vòng 1 thập kỷ qua, một quá trình đã bị ảnh hưởng bởi nhiều biến động chính trị như vụ việc Bạc Lai Hy.
Ước tính, khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái kể từ năm 2009, có khoảng 20 triệu công nhân Trung Quốc bị mất việc làm. Đáp lại, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước tăng cường các khoản vay cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Gói kích thích cho vay đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao trở lại, song nó cũng làm nảy sinh những lo ngại mới về các khoản nợ xấu và thổi phồng bong bóng bất động sản.
Có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản do lo ngại nhen lại ngọn lửa bong bóng bất động sản. Chính sách đó đã làm giảm vai trò của các ngân hàng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và làm hạn chế tăng trưởng ngắn hạn.
Nguồn WSJ/DVT