Ngành ngân hàng cá nhân châu Á gặp cơn “cảm lạnh”
Khối tài sản của những người giàu châu Á gia tăng nhanh chóng đã thu hút nhiều ngân hàng cá nhân nhảy vào, trong đó có những người chơi lớn đến từ Thụy Sĩ như UBS và Credit Suisse. Nhưng các điều kiện thời tiết ở châu Á cũng ngày càng trở nên khắc nghiệt khiến cho những người chơi nhỏ hơn bị cảm cúm, theo Lombard Odier, ngân hàng Thụy Sĩ có 117 tỉ USD giá trị tài sản khách hàng cá nhân được quản lý tính đến cuối năm 2016.
Áp lực gia tăng từ việc tuân thủ các quy định pháp luật, cùng với mức lương tăng lên đang khơi mào cho một làn sóng thâu tóm, sáp nhập mà dự kiến sẽ còn tiếp tục, theo Vincent Magnenat, đứng đầu ngân hàng cá nhân tại châu Á của Lombard Odier. “Chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều thương vụ sáp nhập, thâu tóm tại châu Á. Chúng tôi tin rằng sẽ còn có nhiều ngân hàng cá nhân hơn rời khỏi thị trường này”, Magnenat nhận xét.
DBS (Singapore) đã mua lại bộ phận quản lý tài sản châu Á của ANZ vào năm ngoái trong khi Barclays đã bán mảng quản lý tài sản tại khu vực này cho OCBC (Singapore). Chi phí tuân thủ các quy định rửa tiền là một nguyên nhân khiến những người chơi yếu thế hơn rời sân. Điều này không mấy ngạc nhiên khi các cơ quan quản lý săm soi nhiều hơn kể từ sau vụ ngân hàng cá nhân Thụy Sĩ BSI hoạt động ở Singapore bị rút giấy phép do liên quan đến vụ bê bối quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia.
“Áp lực từ môi trường điều hành quản lý nhà nước là có thể thấy rõ, nhưng không chỉ vậy, mức lương nhìn chung cũng đã tăng lên”, Magnenat cho biết. Chi phí tăng lên đặc biệt gây đau đầu cho những nhà quản lý tài sản nhỏ hơn. Những ngân hàng thiếu quy mô lớn hoặc thiếu sự hiện diện đủ mạnh ở địa phương thì lại không nắm bắt được cơ hội từ lượng người siêu giàu châu Á tăng lên. Một vài trong số đó chuyển hướng sang hợp tác với các đối tác khác, tìm cách cải thiện lợi nhuận mà không làm tăng chi phí cố định.
Lombard Odier cũng đang thương thảo với “một số ngân hàng trong khu vực”, Magnenat tiết lộ, xác định Indonesia và Malaysia là các mục tiêu tăng trưởng tiềm năng trong tương lai. Được biết châu Á chiếm khoảng 10% tài sản khách hàng cá nhân được quản lý của ngân hàng Thụy Sĩ này.
Một vấn đề khác là châu Á thuộc vào hàng có biên lợi nhuận ngành ngân hàng cá nhân thấp nhất trên thế giới. Một lý do là khách hàng châu Á có thói quen giao dịch với nhiều ngân hàng cùng lúc. Một số ngân hàng vì chịu không nổi sức ép biên lợi nhuận đã phải rút lui. Theo nghiên cứu của BCG, biên lợi nhuận trước thuế tại ngành ngân hàng cá nhân châu Á - Thái Bình Dương là 21 điểm cơ bản tài sản được quản lý, so với 25-26 ở châu Âu. Có nghĩa là cứ mỗi 100 triệu USD giá trị tài sản của khách hàng tại châu Á thì tạo ra 210.000USD lợi nhuận trước thuế, trong khi con số này ở châu Âu là 250.000-260.000USD.
David Shick, đứng đầu bộ phận ngân hàng cá nhân Trung Quốc của Julius Baer, dù cho rằng “cơ hội mở ra khi những người chơi khác bỏ cuộc”, nhưng ông cũng thừa nhận “áp lực biên lợi nhuận rất căng thẳng” và “mỗi năm cạnh tranh càng khốc liệt”. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi khảo sát của EY cho thấy ngân hàng cá nhân châu Á đang ở độ chín muồi của làn sóng thâu tóm.
Theo Shick, sẽ có nhiều đối thủ hơn rút khỏi thị trường châu Á trong 5 năm tới. Một khi điều này xảy ra, lợi nhuận của ngành sẽ cải thiện. Cho đến lúc đó, các ông chủ ngân hàng cá nhân tại châu Á cần phải giữ vững lòng tin.
Trong cuộc chơi này, Shick cho rằng các ngân hàng phương Tây có thể sống tốt nhờ vào quy mô và tầm vóc của họ. Julius Baer có 75 tỉ USD giá trị tài sản quản lý, đưa nó trở thành nhà quản lý tài sản lớn thứ 5 khu vực, theo xếp hạng mới nhất của Asian Private Banker. UBS và Credit Suisse cũng tin rằng quy mô sẽ là một lợi thế. UBS, Citi và Credit Suisse đang chiếm lĩnh thị trường quản lý tài sản ở châu Á. Họ nắm khoảng 43% trong tổng số 1.470 tỉ USD giá trị tài sản được quản lý bởi top 20 nhà quản lý tài sản của khu vực châu Á vào năm 2015, theo Asian Private Banker.
Trong một cuộc họp nhà đầu tư gần đây, Credit Suisse đã giảm mạnh mục tiêu lợi nhuận nói chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vẫn giữ nguyên các mục tiêu ban đầu đặt ra cho bộ phận quản lý tài sản cá nhân ở khu vực này. “Chiến lược mà chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tại châu Á đang phát huy tác dụng và tăng tốc”, Tổng Giám đốc Tidjane Thiam của Credit Suisse giải thích vì sao ông vẫn tin rằng Ngân hàng hoàn toàn có thể tăng hơn gấp đôi lợi nhuận trước thuế của bộ phận quản lý tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2015-2018.
Thiam tin rằng bùng nổ tài sản châu Á trong những năm sắp tới sẽ là “của trời cho” đối với các ngân hàng cá nhân, đặc biệt những ngân hàng lớn mà có thể kết nối khách hàng với mạng lưới toàn cầu và các dịch vụ ngân hàng đầu tư.
UBS, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đang tăng cường tuyển dụng đặc biệt tại Trung Quốc. Đây là thị trường mà UBS đã “thề” sẽ tăng gấp đôi số nhân viên trong 2016-2021. Các ngân hàng lớn của Mỹ cũng tin rằng họ có thể tìm thấy cơ hội ở một thị trường đông đúc. Citi, chẳng hạn, sử dụng lợi thế bảng cân đối kế toán lớn của mình để hỗ trợ cho vay tại bộ phận ngân hàng cá nhân châu Á.
Các ngân hàng cá nhân châu Á có thể không có quy mô toàn cầu như các đối thủ Mỹ, nhưng các nhà điều hành tại UOB của Singapore và Bank of Singapore cho biết dù có quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng họ lại có kiến thức địa phương và hiểu rất rõ doanh nhân châu Á. Yeng Fang Ong, đứng đầu bộ phận ngân hàng cá nhân của UOB, cho biết: “Ngân hàng được thành lập cách đây 80 năm. Nhiều khách hàng, nhất là thế hệ đầu tiên, đã đồng hành cùng với chúng tôi kể từ đó. Nói cách khác UOB và các khách hàng cùng nhau lớn lên”
Đàm Hoa
Nguồn FT