Lực lượng phi công dưới 30 tuổi của Mỹ đang ít hơn 8%. Ảnh: Getty Images.
Ngành hàng không Mỹ đối mặt với thiếu hụt phi công trầm trọng
Ngành hàng không Mỹ sắp bị ảnh hưởng bởi “làn sóng” nghỉ hưu của các phi công, việc này sẽ trầm trọng hóa tình trạng thiếu hụt phi công của nước này, hạn chế số chuyến bay thương mại và gây áp lực tăng giá vé, nhóm ngành này chia sẻ với Quốc hội Mỹ vào ngày 19/4.
“Sự thiếu hụt phi công đã dẫn đến sự sụp đổ của dịch vụ hàng không”, bà Faye Malarkey Black, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Hàng không Khu vực (RAA), cho biết.
Hơn một nửa số phi công đang làm việc ngày nay sẽ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc, là 65 tuổi, trong 15 năm tới và số lượng phi công trẻ không thể bù đắp cho lỗ hổng này.
“Tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng đã và đang diễn ra trên toàn quốc”, bà Black lưu ý. Có đến 42 bang tại Mỹ hiện cung cấp ít dịch vụ hàng không hơn so với trước đại dịch, 136 sân bay đã cắt giảm ít nhất 1/4 dịch vụ và các hãng hàng không cũng hủy hoàn toàn các chuyến bay từ các trung tâm đến 11 sân bay ở các vùng nhỏ hơn.
Hơn 500 máy bay thuộc các hãng hàng không trong khu vực đang không hoạt động vì không có đủ phi công vận hành, và những chiếc máy bay vẫn đang trong quá trình khai thác thì ít được sử dụng hơn 40% so với trước đây.
Hầu hết các hãng hàng không vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sau việc cắt giảm dịch vụ thực hiện trong thời kỳ đại dịch, ngay cả khi một số hãng ghi nhận mức đặt vé cao kỷ lục. Công suất hạn chế cùng với nhu cầu mạnh mẽ đang dẫn đến giá vé cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch.
Nhóm của bà Black, đại diện cho các hãng hàng không khu vực, cung cấp dịch vụ trung chuyển cho các hãng hàng không lớn hơn như American, United và Delta. Những hãng hàng không lớn đó cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phi công, nhưng họ đã thuê phi công từ các hãng hàng không trong khu vực, gây ra vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn cho hành khách và các thành phố phụ thuộc.
Theo bà Black, các hãng hàng không lớn đã thuê hơn 13.000 phi công vào năm 2022, gần như tất cả đều từ các hãng nhỏ hơn mà RAA đại diện. Năm ngoái, số lượng phi công nhận được giấy phép bay cao hơn bao giờ hết, nhưng 9.500 người mới tham gia đó vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Bà Black cho biết chi phí đào tạo cho một phi công mới có thể là 80.000 USD, với tổng chi phí lên tới 200.000 USD khi tính đến lúc phi công đó đạt bằng cử nhân. Bà cho biết viện trợ tài chính liên bang không đủ để tạo cơ hội cho những sinh viên có tài chính khó khăn hơn học trở thành phi công.
Bà Black dự báo nhu cầu về phi công sẽ tiếp tục tăng. Lực lượng phi công dưới 30 tuổi đang ít hơn 8% và ngày càng có nhiều người bước vào buồng lái như một nghề nghiệp thứ 2.
Mỹ đã cấp chứng chỉ cho gần 64.000 phi công vận tải hàng không kể từ tháng 7/2013 trong khi các hãng hàng không đã tuyển dụng khoảng 40.000 vị trí.
Hiệp hội Hàng không Khu vực, đại diện cho các hãng hàng không kết nối các thành phố lớn với các sân bay nhỏ hơn trong khu vực, lưu ý rằng các hãng hàng không không phải là điểm đến duy nhất của các phi công có trình độ và cảnh báo về tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng sẽ trở nên tồi tệ hơn với “cơn sóng thần” nghỉ hưu. Giám đốc RAA, bà Black cho biết các công ty kinh doanh dịch vụ bay hoặc cho thuê máy bay cũng đang tuyển dụng.
Ngay cả trước đại dịch, tình trạng thiếu hụt phi công cũng đã được ghi nhận. Các hãng hàng không đã nhận được hàng tỉ USD tiền đóng thuế của người dân trong thời kỳ đại dịch, với lệnh cấm không được sa thải nhân viên, nhằm đảm bảo tình trạng thiếu hụt sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Nhưng để tiết kiệm tiền, nhiều hãng hàng không đã cho nhân viên về hưu sớm để cắt giảm chi phí, trong khi đại dịch lại làm gián đoạn quá trình tuyển dụng phi công mới.
Có thể bạn quan tâm:
Du lịch đã thay đổi như thế nào đối với người Nga?
Nguồn CNN