Ngành hàng không đang dịch chuyển về châu Á – Thái Bình Dương?
Thế nhưng cùng với sự chuyển dịch quyền lực kinh tế sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, liệu chúng ta có được chứng kiến sự nổi lên của một Seattle (trụ sở chính của Boeing) hay một Toulouse (trụ sở của Airbus) tại Sao Paulo (Brazil); Bangalore (Ấn Độ) hay Thiên Tân (Trung Quốc)? Câu trả lời là rất có thể và thời điểm ấy cũng không xa nữa.
Từ “Made in” Brazil
Một quốc gia trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) đang theo đuổi con đường phát triển hàng không vũ trụ là Brazil. Sau nhiều năm tập trung phát triển các dòng máy bay quân sự COIN, hãng máy bay Embraer của Brazil hiện bắt đầu thâm nhập thành công vào thị trường máy bay thương mại, thậm chí hãng này đã tiến đến việc mở một nhà máy sản xuất ở Florida, Mỹ.
Theo chân Airbus và Boeing, hãng Embraer đang tung ra một phiên bản động cơ thuộc dòng máy bay E-Jet của riêng mình. Không dừng lại ở đó, tham vọng lớn hơn của Embraer là chế tạo máy bay quân sự. Một trong những mẫu máy bay mà Embraer đang theo đuổi là máy bay vận tải quân sự KC-390 nhằm cạnh tranh với C-130 của hãng Lockheed Martin (Mỹ).
Đồng thời với đó, dòng máy bay tấn công hạng nhẹ Super Tucano của hãng này cũng được Mỹ lựa chọn để cung cấp cho lực lượng Không quân Afghanistan. Đây có thể xem là một thành quả lớn không chỉ của riêng Embraer mà của ngành hàng không Brazil.
Hơn bất cứ đâu, Ấn Độ có những kế hoạch phát triển hàng không rất lớn, dù hiện tại họ mới chỉ tập trung vào các dự án hàng không quân sự. Hiện nước này đang có một dự án hợp tác cùng Nga để phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình, đồng thời đang lên kế hoạch phát triển các máy bay không người lái của riêng mình. Tuy nhiên, cho dù đã có những thành công trong sản xuất các động cơ và ngành công nghệ thông tin rất phát triển, nhưng Ấn Độ vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong các chương trình phát triển máy bay nội địa.
Đơn cử như dự án quốc gia về phát triển máy bay chiến đấu mang tên LCA Tejas trước đây. Dự án này đã không thể tìm được động cơ phù hợp cho loại máy bay này. Thậm chí một nguyên mẫu máy bay đơn giản hơn là NAL Saras với tổ lái và 14 hành khách cũng đã gặp nạn khi thử nghiệm vào năm 2009. Dù sao, việc tiếp tục hợp tác với Nga trong các dự án phát triển máy bay vận tải phản lực cánh quạt cho thấy Ấn Độ không dễ từ bỏ các kế hoạch phát triển này.
Máy bay quân sự - Nga vẫn là đối thủ lớn
Là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ hàng không thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay sở hữu những lao động kỹ năng cao trong ngành hàng không và các trung tâm nghiên cứu tiên tiến, đặc biệt về khí động học.
Cho đến nay, Nga vẫn được xem là một cường quốc về máy bay quân sự và xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các thành công thương mại của Nga trong lĩnh vực này mang tính chắp vá, không lớn và không xâu chuỗi.
Đơn cử như dự án mới nhất là phát triển dòng máy bay Sukhoi Superjet, mặc dù có sự trợ giúp của các đối tác từ Italia nhưng dường như dòng máy bay này vẫn không thâm nhập được vào thị trường lớn hơn ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS - nước thuộc Liên Xô trước đây, trừ 3 nước cộng hòa vùng Baltic). Họ chỉ có máy bay MC-21 được xem là đối thủ cạnh tranh để hạn chế bớt sự thống trị của Airbus A320neo và Boeing 737 MAX.
Nguồn Thời báo ngân hàng