Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

 
Mai Nam Thứ Sáu | 26/11/2021 12:57

Ngành hàng hải “đau đầu” với lệnh cách ly 7 tuần của Trung Quốc

Thời gian cách ly COVID-19 dài nhất thế giới hiện nay ở Trung Quốc là một phần của chính sách “Zero COVID”.

Khủng hoảng của ngành vận tải biển có thể tiếp tục kéo dài khi Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID trong kiểm soát dịch bệnh.

Theo Bloomberg, các chính sách này đang cản trở sự phục hồi hoàn toàn của ngành vận tải biển và kéo dài cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu.  

Trong nỗ lực ngăn chặn virus, Trung Quốc gần đây áp dụng cách ly bắt buộc 7 tuần với thuyền viên nước này về nước. Họ cũng tiếp tục cấm thay người đối với các thủy thủ đoàn nước ngoài. Các tàu đã bổ sung thuyền viên ở nơi khác sẽ phải đợi hai tuần mới được phép cập cảng Trung Quốc.

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực vận tải đó là sự căng thẳng của các điều kiện đối với lao động trong ngành do đại dịch mang lại. Ảnh: The New York Times.
Căn nguyên của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực vận tải đó là sự căng thẳng của các điều kiện đối với lao động trong ngành do đại dịch mang lại. Ảnh: The New York Times.

Để tuân thủ, các chủ tàu đã phải định tuyến lại hành trình, trì hoãn các chuyến hàng và thay đổi thủy thủ đoàn, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. "Các hạn chế của Trung Quốc gây ra nhiều thách thức. Bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động tàu đều tác động đến chuỗi cung ứng và gây ra gián đoạn thực sự", Tổng thư ký Guy Platten của Phòng Vận chuyển Quốc tế, đại diện cho các chủ tàu và nhà khai thác, cho biết.

Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc trở thành trung tâm quan trọng của ngành vận tải biển. Đây cũng là quốc gia cuối cùng áp dụng chính sách "Zero COVID" và ngày càng siết chặt. Định nghĩa về "tiếp xúc gần" giờ đây mở rộng cho những người cách nhau một km.

Trên thế giới, các nhà máy, cơ sở vận chuyển và người tiêu dùng vẫn đang đối diện với những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang có dấu hiệu giảm bớt ở Mỹ nhưng tệ hơn ở Anh. Một số cảng ở châu Á ít tắc nghẽn hơn, nhưng các tàu hàng vẫn nối đuôi nhau chờ cập cảng ở California.

Các nhà quản lý và khai thác tàu đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế và ưu tiên người đi biển. Nếu không, nguy cơ gián đoạn có thể tiếp tục gia tăng. Theo CEO Terence Zhao của Singhai Marine Services, một trong những hãng cung cấp thủy thủ đoàn lớn nhất Trung Quốc, trọng tâm chính của các cảng nước này vẫn là cách ly và đảm bảo sức khỏe.

 

Ông Bjorn Hojgaard, CEO công ty quản lý tàu Anglo-Eastern Univan Group và là Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Hồng Kông cho biết Trung Quốc là một vấn đề lớn. "Họ đang làm rất tốt việc kiểm soát COVID-19, nhưng cái giá phải trả là không cho thuyền viên vào. Ngay cả các thuyền viên Trung Quốc đôi khi cũng không thể quay trở lại Trung Quốc", ông nói.

Người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Tìm nguồn cung ứng Dawn Tiura có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Tất cả các con đường đều dẫn trở lại Trung Quốc và điều đó có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Tình trạng tắc nghẽn tại một cảng hoặc nhà máy có tác động sâu rộng đến các cơ sở lân cận, vốn lan ra khắp thế giới”.

Thật vậy, hoạt động ở Trung Quốc đã trở thành thách thức ngay cả đối với các nhà khai thác lớn nhất, bao gồm Cargill. "Có những trường hợp chậm trễ diễn ra trong vài giờ, nhưng cũng có những trường hợp chậm trễ kéo dài vài ngày", Giám đốc chuỗi cung ứng & hoạt động toàn cầu Eman Abdalla của Cargill nói. Công ty này đã có những tàu hàng phải chịu phí trễ hạn.

Euronav - một trong những chủ sở hữu tàu chở dầu lớn nhất thế giới, phải chi 6 triệu USD để xử lý các sự cố gián đoạn liên quan đến cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên, bao gồm cách ly và chi phí đi lại cao hơn. "Trước đây, việc luân chuyển thủy thủ đoàn ở Trung Quốc khá tốt. Bây giờ, về cơ bản là không thể", Giám đốc điều hành Hugo De Stoop cho biết.

Chi phí tăng đẩy giá vận chuyển leo thang. Giá vận chuyển một số container cao nhất được ghi nhận ở mức 9.146 USD mỗi container 12 m vào tuần kết thúc ngày 18/11, tăng gấp 6 lần so với mức trung bình 5 năm tính đến 2019. Giá vận chuyển bằng tàu chở dầu và tàu chở hàng rời thì không tăng nhiều.

Các chủ tàu thừa nhận rằng họ đang xoay xở trước các lệnh hạn chế của Trung Quốc bằng cách chuyển gánh nặng cho thuyền viên. Ông Hojgaard nói nước này không cho phép quá 3 thủy thủ người Trung Quốc trên một chuyến tàu cập bến đất liền. Vì vậy, thời gian trở về nhà của họ có thể kéo dài hàng tháng.

Anglo-Eastern cho biết khoảng 800 trong số 16.000 thủy thủ đoàn đang quá hạn trợ cấp và hơn 100 người đã ở trên tàu hơn 11 tháng, số ngày tối đa được luật pháp quốc tế cho phép ở trên tàu. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết nhưng không thể", ông Hojgaard nói.

Theo một cuộc khảo sát mới của Oxford Economics với 148 doanh nghiệp từ ngày 18-29/10, gần 80% dự báo cuộc khủng hoảng nguồn cung vẫn còn khả năng tệ đi. Phía Trung Quốc thì phát tín hiệu rằng họ sẽ không nới lỏng các quy tắc chống dịch.

"Trung Quốc quyết tâm đạt được Zero COVID và họ sẽ không nới lỏng các quy định. Họ thậm chí có thể tăng cường vào dịp Thế vận hội mùa đông diễn ra vào tháng 2 năm sau", ông Terence Zhao - CEO Singhai Marine Services nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Thách thức net zero của chuỗi cung ứng