Thứ Sáu | 03/08/2012 16:26

Ngành dịch vụ châu Á mất đà tăng trưởng trong tháng 7

Trong tháng 7, khu vực dịch vụ của Trung Quốc và Ấn Độ mất động lực trong khi các ngành công nghiệp dịch vụ Australia tiếp tục bị thu hẹp.
Những thông tin trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, hôm 1/8, các dữ liệu kinh tế cũng cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu của châu Á. Hiện ngành sản xuất và dịch vụ của châu Á phải đối mặt với áp lực nặng nề khi kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp và khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) chưa có dấu hiệu chấm dứt.

a

Các nhà kinh tế cho biết các ngành dịch vụ của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn mạnh, song tốc độ mở rộng đã chậm lại. Sự chậm lại này cũng buộc các nhà hoạch định chính sách châu Á phải thực hiện các bước nới lỏng cho các nền kinh tế, đặc biệt trong thời điểm các ngành sản xuất cũng đang gặp không ít khó khăn.

Trong tháng 7, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất của Trung Quốc giảm từ 56,7 điểm trong tháng 6 còn 55,6 điểm trong tháng 7, khi chính phủ Trung Quốc thực  thi các biện pháp kìm chế giá bất động sản. Ngoài bất động sản, chỉ số trên cũng bao gồm bán lẻ, hàng không và phần mềm.

Chỉ số PMI phi sản xuất trong tháng 7 của Trung Quốc cũng thấp hơn so với một số dự báo trước đó. Hai ngày sau, Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất trong tháng 7 cũng giảm từ 50,2 điểm trong tháng 6 còn 50,1 trong tháng 7.

Đối với cả hai chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất, kết quả cao hơn 50 thể hiện tăng trưởng, trong khi thấp hơn 50 cho thấy xu hướng đi xuống.

Nhà kinh tế học tại Citigroup, ông Ding Shuang nhận định: "Tình trạng kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể coi là bế tắc. Không có dấu hiệu cải thiện đáng kể nào trong tháng 7".

g
Tuy nhiên, chỉ số PMI do ngân hàng HSBC công bố lại cho thấy ngành dịch vụ Trung Quốc tăng từ 52,3 điểm trong tháng 6 lên 53,1 điểm trong tháng 7. HSBC cũng cho rằng chỉ số PMI dịch vụ cho thấy kinh tế Trung Quốc đang ổn định, và ít đáng lo ngại hơn so với khu vực sản xuất yếu kém.

Theo HSBC, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng với tốc độ khá song nhấn mạnh Bắc Kinh nên tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ như thúc đẩy xây dựng.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ giảm từ 54,3 điểm trong tháng 6 còn 54,2 điểm trong tháng 7, HSBC cho biết.

Số đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất của Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng, song tốc độ đã chậm lại. Chỉ số đơn hàng mới cũng thấp nhất kể từ tháng 11/2011. Tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ hiện vẫn khá khá cao do nhu cầu mạnh và tiền lương tăng.

Tại Australia, chỉ số dịch vụ PSI theo khảo sát của Australian Industry (AiG) Group và Commonwealth Bank giảm từ 48,8 điểm trong tháng 6 còn 46,5 điểm trong tháng 7. Bất chấp sự bùng nổ của ngành khai thác mỏ của Australia, các khu vực kinh tế khác không liên quan tới khai mỏ tiếp tục phải vật lộn để tăng trưởng.

Bên cạnh đó, chỉ số việc làm tháng 7 của Australia cũng giảm 6 điểm xuống thấp kỷ lục 42,2 điểm. Các khu vực tiêu dùng nhạy cảm như kinh doanh bán lẻ và các dịch vụ giải trí và cá nhân đã công bố mức giảm lớn nhất.

Ngoài ra, số đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp Australia giảm tháng thứ 4 liên tiếp, khiến chỉ số các đơn đặt hàng cũng giảm 2,8 điểm còn 41,6 điểm. Chỉ số bán hàng giảm 0,8 điểm trong tháng 7 còn 41,8 điểm, trong khi đó các công ty đã giải quyết lượng hàng tồn kho nhiều  hơn là đặt hàng mới.

Nguồn Nasdaq/Khampha


Sự kiện