Nhiều nhà máy ô tô chỉ hoạt động với 50% công suất hoặc ít hơn. Ảnh: BMW
Ngành công nghiệp ô tô châu Âu khó khăn chưa từng thấy
Chính phủ nước Ý vừa cho biết sẽ cắt giảm khoảng 5 tỉ USD từ quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn 2025-2030. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, buộc các doanh nghiệp ô tô trên toàn thế giới, trong đó có cả nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước Italy Stellantis, phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Kế hoạch cắt giảm nguồn vốn hỗ trợ đã khiến các nhà sản xuất ô tô tại Ý vô cùng lo ngại. Hiệp hội công nghiệp ô tô ANFIA cho biết, quyết định này đi ngược lại với những nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô chuyển đổi sang công nghệ điện và đối mặt với những thách thức của thị trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Adolfo Urso cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng ô tô có các công cụ cần thiết để đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi xanh. Theo ông, kế hoạch này nhằm mục tiêu tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành công nghiệp ô tô Italy, đặc biệt là sản xuất linh kiện. Ông cho rằng đây là cách tiếp cận hiệu quả để giúp ngành công nghiệp ô tô nước nhà có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tại Đức, trong một năm qua ngành công nghiệp ô tô cũng lao dốc nhanh chóng. Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục, nhưng năm nay, cả hai chỉ tiêu này đã giảm mạnh, khiến triển vọng tương lai trở nên ảm đạm. Tâm trạng hoảng loạn đang lan rộng trong ngành, đặc biệt khi lĩnh vực ô tô điện tiêu thụ chậm, dẫn đến tình trạng kho chứa đầy ô tô mới.
Nhiều nhà máy chỉ hoạt động với 50% công suất hoặc ít hơn, và việc sa thải lao động hàng loạt đã được nhiều doanh nghiệp công bố. Tình hình khó khăn của các hãng sản xuất ô tô lớn cũng gây ra thảm cảnh cho hàng trăm nhà cung cấp linh kiện vừa và nhỏ, mặc dù nhu cầu mua ô tô mới trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể trong những năm qua.
Ngành công nghiệp ô tô Đức hiện phải đối mặt với những khó khăn lớn chưa từng thấy, ngay cả khi thị trường ô tô toàn cầu vẫn phát triển. Thị trưởng thành phố Ingolstadt, ông Christian Scharpf, đã tóm tắt tình hình bằng câu nói: "Những năm tháng tốt đẹp đã qua!" Nếu ngành ô tô gặp khó khăn, nền kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, với nhiều dự báo cho thấy một "trận bão" đang hình thành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng trong ngành ô tô Đức. Chất lượng địa điểm sản xuất kém, căng thẳng quốc tế gia tăng, và những quyết định chính trị sai lầm trong chính sách năng lượng và khí hậu đang tạo thêm áp lực. Đặc biệt, lệnh cấm ô tô động cơ đốt trong từ năm 2035 và mức thuế khí thải CO2 cao từ năm 2025 đang khiến các nhà sản xuất lao vào cuộc đua sản xuất ô tô điện, nhưng doanh số bán ô tô điện lại giảm tới 25% ở hầu hết các thị trường lớn.
Thị trường Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất Đức từng chiếm ưu thế, hiện đang bị cạnh tranh bởi các hãng ô tô nội địa như BYD, với những mẫu xe điện giá rẻ. Nếu cuộc chiến thương mại và thuế quan với Mỹ và Trung Quốc xảy ra, ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị đẩy đến bờ vực thẳm, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong sản xuất và việc làm.
Có thể bạn quan tâm:
Năm 2025: AI sẽ đến bước ngoặt vỡ mộng hay thời khắc bứt phá?