Một nhà máy sản xuất tại Hàng Châu. Ảnh: Getty Images.
Ngành công nghiệp khởi sắc báo hiệu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 3, chấm dứt sự suy giảm kéo dài 5 tháng và thêm bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp nước này đang tạo đà cho sự phục hồi kinh tế.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI chính thức tăng lên 50,8, mức cao nhất trong một năm, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này đạt mức nhanh nhất trong hai năm vào tháng 1 và tháng 2, xuất khẩu cũng tăng trong cùng khoảng thời gian này.
Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Lĩnh vực công nghiệp dường như có khả năng phục hồi tốt, một phần nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Nếu chi tiêu tài chính tăng và xuất khẩu vẫn mạnh, động lực kinh tế có thể được cải thiện”.
Những số liệu mới nhất cho thấy ngành công nghiệp có thể là động lực giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm 2024, ngay cả khi Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và căng thẳng địa chính trị.
Thước đo hoạt động phi sản xuất đã tăng lên 53 trong tháng 3, so với ước tính là 51,5 (chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng so với tháng trước, trong khi thấp hơn thì ngược lại.)
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế khu vực Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, cho biết PMI phi sản xuất cũng cho thấy các công ty có niềm tin và kỳ vọng tương đối mạnh mẽ vào hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Nhu cầu yếu từ các đối tác kinh tế lớn cùng với các biện pháp trừng phạt và hạn chế ngày càng gia tăng đối với các sản phẩm của nước này đã khiến thương mại của Trung Quốc bị ảnh hưởng trong năm qua. Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết vào tháng trước rằng trụ cột quan trọng một thời của nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với mức độ “đáng lo ngại” của các biện pháp hạn chế thương mại. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm, tăng 7,1% so với một năm trước đó, đã khơi dậy hy vọng về sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết cấp vốn nhằm khuyến khích tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới các mặt hàng đã cũ, bao gồm ô tô, đồ gia dụng và các thiết bị khác, đây sẽ là một lợi ích lớn cho các công ty công nghiệp. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các gói hỗ trợ tài chính vẫn chưa được tiết lộ.
Giá tiêu dùng trong tháng 2 tăng lần đầu tiên sau 5 tháng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 5,3% từ mức 5,1% vào tháng 12, phản ánh thị trường lao động ảm đạm đang đè nặng lên nhu cầu trong nước.
Lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản lớn đối với nền kinh tế, với đầu tư giảm 9% và doanh số bán nhà ở giảm 33% tính theo giá trị, từ tháng 1 đến tháng 2 so với một năm trước đó.
China Vanke, từng là nhà phát triển bất động sản niêm yết lớn nhất nước, cho biết lợi nhuận ròng đã giảm 46% trong năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ khi niêm yết năm 1991. Country Garden, từng là công ty xây dựng nhà ở hàng đầu quốc gia xét về doanh số, sẽ trì hoãn báo cáo kết quả hàng năm.
Sự khó khăn mà các công ty bất động sản lớn đã bước sang năm thứ tư, và tác động tiêu cực đang dần lan sang cả lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc.
Song chính phủ cũng đã tăng cường nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước đã nói với một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Bắc Kinh rằng nền kinh tế nước này vẫn còn dư địa để phát triển. Ông Tập đã gặp Stephen Schwarzman của Blackstone, Cristiano Amon của Qualcomm và các đại diện khác từ cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược và học thuật khác của Mỹ.
Ông Tập thừa nhận rằng có những vấn đề với nền kinh tế trong nước, nhưng cho biết giới chức sẽ có thể xử lý chu toàn.
Có thể bạn quan tâm:
Người trẻ Ấn Độ đối mặt rủi ro thất nghiệp nhiều hơn khi học vấn cao hơn
Nguồn Bloomberg