Các chương trình âm nhạc Kpop thường xuyên được tổ chức tại Thái Lan. Ảnh: KCon.
Ngành công nghiệp giải trí Thái Lan "chạy đua theo" Hàn Quốc
Làn sóng Hallyu (văn hoá Hàn Quốc) đang gây bão trên toàn cầu đã thu hút một lượng lớn người trẻ ở Thái Lan khao khát trở thành những ngôi sao âm nhạc trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Không chỉ người trẻ, hoạt động xuất khẩu nội dung văn hoá của Hàn Quốc, tất cả mọi thứ từ âm nhạc, phim, thời trang đến trò chơi, cũng trở thành mục tiêu của chính phủ Thái Lan. Các nhà chức trách xứ sở chùa Vàng cho biết, đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí nội địa vươn ra quốc tế.
Năm 2022, trường Đại học Silpakorn (Bangkok, Thái Lan) đã thành lập một khoa mới chuyên đào tạo sinh viên ngành giải trí. Khoa này giảng dạy các khoá học bao gồm ca hát, nhảy múa và các kỹ thuật tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Nhiều “tín đồ” K-Pop đã đăng ký nhập học vào khoa này để được đào tạo có đủ khả năng tham gia các buổi thử giọng do các công ty giải trí Hàn Quốc tổ chức tại Thái Lan. Nhiều sinh viên cho biết, mục đích khác là muốn thông qua K-Pop để quảng bá văn hoá Thái Lan ra khắp thế giới.
Từ năm 2016, Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc ở Thái Lan đã liên kết với chính phủ Hàn Quốc tăng cường hợp tác tổ chức các buổi thử giọng, tuyển thực tập sinh. Tính đến giữa tháng 10/2023, ước tính số đơn đăng ký thử giọng đạt khoảng 3.000-5.000 đơn, tăng gấp 3 đến 5 lần so với năm 2016. Giới chuyên môn nhận định K-Pop đã trở nên phổ biến đến mức không cần chính phủ Thái Lan hỗ trợ quảng bá nữa.
Vào đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã tạo ra làn sóng văn hoá mạnh mẽ bắt đầu ở châu Á và sau đó là lan rộng ra khắp thế giới, nhất là sau khi chính phủ Hàn Quốc mạnh tay đầu tư chiến lược quảng bá từ phim truyền hình, âm nhạc đến các sản phẩm như điện thoại di động, đồ gia dụng. Kể từ đó, mặc dù có giai đoạn lắng dịu nhưng “cơn sốt” K-Pop vẫn chưa bao giờ hết nóng tại Thái Lan.
Không chỉ vậy, các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc hiện nay cũng có thành viên là người Thái Lan ra mắt, chẳng hạn như BamBam (GOT7), Lisa (BlackPink), Ten (NCT) và Minnie ((G)-IDLE). Làn sóng Hallyu được giới trẻ Thái Lan săn đón với nhu cầu ngày càng gia tăng. Những khán giả trẻ chấp nhận chi trung bình 4.500 baht (125 USD) để mua vé thưởng thức show biểu diễn của các nhóm nhạc K-Pop.
Ngoài ra, số lượng người trẻ Thái Lan tham gia học tiếng Hàn cũng tăng vọt trong những năm gần đây. Truyền thông Hàn Quốc cho biết, tính đến năm 2021 đã có 175 cơ sở giáo dục chương trình trung học ở Thái Lan xem tiếng Hàn như ngôn ngữ thứ 2 để đào tạo. Theo thống kê, có hơn 40.000 người đang học tiếng Hàn trên cả nước Thái Lan, đây cũng là con số cao nhất thế giới.
Lisa là thành viên người Thái Lan của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BlackPink. Ảnh: Nikkei Asia. |
Không dừng ở lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh, văn hoá Hàn Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến Thái Lan còn ở các lĩnh vực khác như ẩm thực, thời trang và làm đẹp. Giới chuyên môn nhận định, sự thành công của những thần tượng âm nhạc người Thái Lan đã thu hút sự chú ý và hỗ trợ từ chính phủ nước này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chính phủ Thái Lan muốn thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí đất nước để tăng cường quyền lực mềm.
Hồi tháng 9/2023, Đảng cầm quyền Thái Lan đã công bố kế hoạch thành lập Bộ đặc biệt để phát triển ngành công nghiệp giải trí đầy tiềm năng. Mục tiêu của kế hoạch này là thông qua thúc đẩy ngành công nghiệp đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trên thực tế, ngành công nghiệp giải trí Thái Lan vốn đã nổi tiếng ở Nhật Bản nhờ những bộ phim truyền hình dài tập. Nhưng chính phủ Thái Lan nhận thấy chìa khóa thành công hiện nay không chỉ nằm ở việc thành công cạnh tranh với các quốc gia khác mà còn cần phải tập trung nguồn lực khai thác thế mạnh và tạo ra điểm khác biệt trên thị trường giải trí, tương tự như cách làn sóng văn hoá Hàn Quốc đã và đang làm.
Có thể bạn qua tâm:
Từ điển Anh chọn A.I là từ khoá của năm 2023
Nguồn Nikkei Asia