Khoảng 10 năm trước, khu xưởng này có hàng trăm công nhân may mặc làm việc với mức lương khiêm tốn. Nay vẫn trên mảnh đất ấy, công ty với cái tên rất “Tây” – Mr Wedding chỉ vỏn vẹn có 16 người nhưng lại là một biểu tượng mới trong ngành công nghiệp cưới, vốn đang rất phát đạt tại Trung Quốc.
Theo báo chí nước này, tổng số tiền hàng năm mà người Trung Quốc chi tiêu cho tiệc cưới, tuần trăng mật, nơi ở cho các cặp uyên ương… đã tăng từ mức “không có gì” cách đây vài thập kỷ lên mức 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 130 tỷ USD) hiện nay. Với khu xưởng cũ và hơn chục nhân viên của mình, Mr Wedding chỉ tham gia chủ yếu vào một trong những phân đoạn nhỏ của cả ngành dịch vụ.
“Chúng tôi có thể giúp khách hàng thực hiện những kiểu ảnh khó nhất dưới nước. Cảm giác đánh mất trọng lực và trôi trong dòng nước sẽ tạo nên những bức ảnh tuyệt vời”, Tina Liu – người đồng sáng lập và là chủ thương hiệu này nói.
2 trong số những khách hàng mới nhất của Tina là Lin Enxiao và He Huan tự giới tiệu mình với những cái tên tiếng Anh Lamea and YY. Đám cưới của họ sẽ diễn ra vào năm sau, nhưng giống như nhiều cặp đôi Trung Quốc khác hiện nay, họ quyết định chụp ảnh cưới càng sớm càng tốt. “Hầu hết bạn bè của tôi chụp ảnh cưới trên cạn. Chúng tôi muốn phải thật khác biệt”, YY nói.
“Cứ nói tới ảnh cưới là người ta nghĩ ngay tới bãi cỏ, phải có một bức tường trắng, rồi bồ câu… Thật tuyệt nếu có thể thay đổi điều đó”, Lamea hùa theo.
Trung Quốc đương nhiên không phải là nơi đầu tiên nghĩ ra việc chụp ảnh cưới dưới nước, song lại là quốc gia có dịch vụ này phát triển bậc nhất hiện nay. Chỉ riêng tại Thượng Hải có hàng tá studio cung cấp dịch vụ này, biến nơi đây trở thành một thị trường đông đúc và hết sức cạnh tranh. “Rất nhiều người sáng tạo và nghĩ ra những ý tưởng hay cho công việc này, nhưng phần lớn họ không thực hiện vì thiếu kiên trì”, Tina nhận định và cho biết việc chụp ảnh dưới nước thường rất mất thời gian, thậm chí là đau đớn.
Để chuẩn bị cho buổi chụp, cặp Lamea và YY phải mất nhiều giờ liền trang điểm mặt và tóc. “Chúng tôi thường đề nghị cô dâu mặc váy trắng. Duôi váy càng dài càng tốt. Mỹ phẩm dành để trang điểm dưới nước cũng phải là loại riêng”, Tina giải thích.
Ngay khi sẵn sàng trong trang phục cưới, Lamea và YY được nhân viên cứu hộ đưa tới một bể nước hình vuông, mỗi chiều gần 4m. Buổi chụp bắt đầu trong khi Tina đứng bên thành bể, đưa ra các chỉ dẫn tới thợ ảnh cũng như cặp cô dâu – chú rể ưa thích sự khác biệt này.
Các studio luôn phải nghĩ ra ý tưởng mới để thu hút khách hàng.
Những vị khách như Lamea và YY chỉ là một trong vô vàn khách hàng đã được Tina và nhóm của cô phục vụ kể từ khi khởi nghiệp năm 2003. Khi đó, họ chỉ chụp ảnh cưới truyền thống và đầu tư vào đây khoảng 150.000 tệ. Khi ấy, cô chỉ có một cửa hàng nhỏ ở trung tâm Thượng Hải, không có studio riêng.
Bước ngoặt đến với nhóm của Tina khi họ quyết định rời ra vùng ngoại ô – nơi cho phép họ xây dựng bể chụp dưới nước như hiện nay, nhưng cũng khiến họ gặp nhiều thử thách hơn bao giờ hết. “Xa trung tâm cũng đồng nghĩa với việc mất hầu hết khách. Họ từng phải đặt trước nhiều tháng trời để có lịch chụp thì nay lịch của chúng tôi bỗng nhiên trống rỗng. Tôi thậm chí đã cho rằng chất lượng ảnh đi xuống là nguyên nhân”.
“Tuy nhiên, đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu có thời gian để xử lý những vấn đề nội tại, xốc lại tinh thần làm việc và khách hàng đã dần trở lại”, Tina chia sẻ. Ngày nay, Mr Wedding đang mang về cho cô và các đồng sự khoản doanh thu khoảng 400.000–500.000 tệ (65.000-80.000 USD) mỗi tháng. Tuy vậy, cũng giống như rất nhiều studio ảnh cưới khác ở Trung Quốc, Tina không được phép chủ quan.
“Ngành công nghiệp ảnh cưới có lẽ đã bão hòa”, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh dịch vụ cưới hỏi Trung Quốc - Shi Kangming nhận định. “Rất nhiều studio nổi tiếng đã đóng cửa và những bạn trẻ muốn chụp ảnh cưới đang giảm dần”.
Theo số liệu được vị này cung cấp, vào năm 2009, có 90% các cặp đôi chụp ảnh cưới trước khi kết hôn. Con số này đến nay giảm xuống còn 70%, một con số đáng báo động cho ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, với khoảng 10 triệu cặp đôi kết hôn mỗi năm, cơ hội vẫn còn rất nhiều cho những người như Tina. “Chúng tôi đang triển khai một dự án mới có tên là Quay phim trên không”, bà chủ studio này quảng cáo.
Tina miêu tả việc này được thực hiện thông qua một chiếc camera bay (flycam) để ghi lại những góc hình độc đáo. “Khách hàng sẽ thích thú với những hình ảnh này. Dù họ không chắc về kết quả nhưng họ sẽ muốn thử”, cô quả quyết.
Cặp đôi Lamea và YY có vẻ không mấy lưỡng lự khi trả số tiền 2.000 tệ (khoảng 325 USD) cho 15 tấm ảnh dưới nước. “Bạn chỉ cưới một lần trong đời, nên bạn nên dùng tiền vào những gì đáng giá”, Lamea tỏ ra hào hứng khi nhận ảnh.
“Chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, dành một nửa thu nhập vào ngân sách dành cho lễ cưới và chi nó vào những khoản mà 2 vợ chồng thấy thực sự cần thiết”, YY nói thêm.
Nguồn Vnexpress