TSMC yêu cầu các hãng sản xuất chip đánh giá rủi ro hạn hán. Ảnh: FT.
Ngành chip chật vật do thiếu nguồn cung nước
Nắng nóng gay gắt trên khắp thế giới trong năm 2023 đang là vấn đề gây “đau đầu” cho các công ty sản xuất chip bán dẫn, vốn cần lượng nước ngọt khổng lồ để đáp ứng nhu cầu sản xuất chip ngày càng lớn.
Năm ngoái, “gã khổng lồ” ngành chip bán dẫn TSMC cho biết sẽ đầu tư 40 tỉ USD vào bang Arizona (Mỹ). Với khoản đầu tư tăng gấp 3 lần, TSMC tham vọng đưa Arizona trở thành bang sản xuất chip đứng đầu nước Mỹ. Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, Arizona xếp vị trí thứ 4 trong năm 2022.
Tuy nhiên, bang Arizona lại là khu vực dễ gặp hạn hán tại Mỹ. Thời điểm TSMC công bố khoản đầu tư vào Arizona, bang phía Tây Nam này đang trải qua một trận “đại hạn hán”, khiến 2 hồ chứa nước lớn nhất ở đây khô cạn đến mức chưa từng có. Thậm chí, nhiều nông dân phải cắt giảm lượng nước sử dụng cho hoạt động tưới tiêu.
Không riêng Mỹ, Đài Loan cũng vừa trải qua hạn hán khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hồi đầu năm nay. Tsengwen, hồ chứa lớn nhất Đài Loan, chỉ cung cấp được khoảng 11% nhu cầu nước trong khi hồ chứa Nanhua, nơi cung cấp nước cho các trung tâm sản xuất ở Đài Nam và Cao Hùng, chỉ ở mức 41%.
Rủi ro khan hiếm nước là lời cảnh tỉnh đối với các công ty bán dẫn trong chuỗi cung ứng do hiện tượng hiệu ứng nhà kính gây ra. Mặt khác, những rủi ro từ hạn hán vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong báo cáo tài chính của nhiều nhà sản xuất chip, bởi đa số đều không có phân tích chuyên sâu về nguy cơ khan hiếm nguồn nước.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, TSMC yêu cầu các hãng sản xuất chip đánh giá rủi ro hạn hán và đề xuất biện pháp ứng phó. “Gã khổng lồ” Nvidia gần đây cũng cho biết các hoạt động sản xuất chất bán dẫn có thể bị ảnh hưởng nếu biến đổi khí hậu khắc nghiệt, bao gồm cả tình trạng thiếu nước.
Nước ngọt là thành phần quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn. Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là liệu khi nước không còn đủ để phục vụ cho ngành nông nghiệp thì sản xuất liệu có được ưu tiên nữa hay không?
Trước tình trạng này, câu hỏi trả lời của TSMC chính là tái sử dụng. Cụ thể, 65% nguồn nước được sử dụng cho các nhà máy sản xuất chip sẽ là nước tái sử dụng từ các hoạt động khác của nhà máy. Và 35% còn lại sẽ lấy từ nguồn nước ngọt ở các khu vực địa phương, với tần suất tái chế 2,8 lần.
TSMC lựa chọn nước tái sử dụng. Ảnh: CommonWealth. |
Ngoài tái chế nước, các công ty sản xuất chip khác cũng đề ra giải pháp phát hành trái phiếu xanh. Micron, “ông lớn” trên thị trường chip nhớ DRAM toàn cầu, cho biết năm 2021 công ty đã phát hành 1 tỉ USD trái phiếu xanh để hỗ trợ chi trả cho các khoản đầu tư liên quan đến việc quản lý nguồn cung nước, cùng với một số sáng kiến môi trường khác.
Trong khi đó, Intel cho biết “không tiêu thụ nước” khi trả lại hệ sinh thái lượng nước sạch gần bằng với lượng nước mà công ty sử dụng cho quy trình sản xuất chip bán dẫn. Năm 2021, Intel tiêu thụ 16 tỉ gallon nước ngọt, nước tái chế và nước khử muối. Và bằng các biện pháp quản lý nước, công ty đã trả lại hơn 13 tỉ gallon nước cho hệ sinh thái chung.
“Việc tái chế và xử lý nước tại chỗ đang được nhiều ngành công nghiệp áp dụng, bao gồm ngành công nghiệp chất bán dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu chip tăng cao, tỉ lệ tái chế hiện nay là chưa đủ. Điều này tạo thêm áp lực cho nguồn cung nước”, Giáo sư Paul Westerhoff, Đại học bang Arizona, cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Xu hướng khử carbon có nhiều tiềm năng với thị trường tài chính toàn cầu
Nguồn FT