Tại EU, tranh cãi về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Sáu | 23/02/2024 10:29

Ngành chăn nuôi có bị đe dọa bởi thịt nhân tạo?

Tại EU, tranh cãi về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Quan điểm của người tiêu dùng đối với một trong những phát minh vượt bậc trong ngành thực phẩm vẫn còn trái chiều. Theo những người ủng hộ thịt nhân tạo (được nuôi từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm), phát minh này sẽ giúp cứu hành tinh bằng cách giảm mức tiêu thụ nước và lượng khí thải nhà kính của ngành chăn nuôi (khoảng 12% tổng lượng khí thải toàn cầu). Thế nhưng nó có thể gây ra những rủi ro hiện hữu cho ngành chăn nuôi, những người trong ngành đang phản đối mạnh mẽ tại châu Âu trước tình trạng chi phí gia tăng, các hạn chế về môi trường và thủ tục giấy tờ chồng chất.

 

Tại EU, tranh cãi về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Ủy ban châu Âu đang xem xét liệu lệnh cấm loại thịt này do chính phủ Ý đưa ra có vi phạm các quy tắc của thị trường nội bộ hay không. Kể từ khi lệnh cấm được áp dụng vào tháng 11 năm ngoái, 11 quốc gia khác đã xếp hàng để bảo vệ thịt “thật”. Không chỉ dừng lại tại đó, một biên bản của các phái đoàn Ý, Pháp và Áo tới Hội đồng Nông nghiệp và thủy sản vào ngày 23/1 khẳng định giống cây trồng trong phòng thí nghiệm đang đe dọa “trung tâm của mô hình canh tác châu Âu”. Họ đã tìm cách tập hợp được 8 phái đoàn khác để hỗ trợ.

Lệnh cấm thịt nhân tạo ​​của Ý được hỗ trợ bởi ông Francesco Lollobrigida, Bộ trưởng Nông nghiệp, trong chính phủ của nữ Thủ tướng Giorgia Meloni. Dự luật bao gồm các khoản phạt nặng lên tới 150.000 euro (161.000 USD) nếu vi phạm lệnh cấm. Theo đó, dự luật cho biết mục tiêu chính là để bảo vệ sức khỏe con người và “bảo tồn di sản nông nghiệp và thực phẩm của Ý”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có mối lo ngại nào về vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến thịt nuôi cấy. Bởi bất kỳ sản phẩm thương mại nào cũng cần được Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu phê duyệt trước khi có thể đưa ra thị trường.

Quan trọng hơn, ngành công nghiệp thịt nuôi trong phòng thí nghiệm còn non trẻ vẫn còn một chặng đường rất dài để có thể sản xuất các sản phẩm nuôi cấy hoàn toàn với quy mô thương mại và giá cả cạnh tranh. Chiếc bánh hamburger đầu tiên được tạo ra trong phòng thí nghiệm đã tiêu tốn hơn 300.000 USD. Chưa kể các công ty làm việc trong lĩnh vực này này phải đối mặt với những vấn đề to lớn trong việc tăng quy mô sản xuất và giảm chi phí. Gần đây, nhiều người đã chuyển sang tạo ra các loại thực phẩm lai (hybrid) trong đó một lượng nhỏ thịt được kết hợp cùng protein từ thực vật. Hiện tại, các sản phẩm hybrid này đã có mặt với số lượng nhỏ ở Singapore, Israel và Mỹ.

Có thể bạn quan tâm: 

Chi tiêu Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng vượt mức trước đại dịch

Nguồn The Economist