Thứ Sáu | 18/10/2013 19:59

Ngân sách và trần nợ: Cuộc khủng hoảng vô nghĩa đáng giá hàng chục tỉ đô-la

16 ngày đóng cửa chính phủ đã làm kinh tế Mỹ tổn thất 24 tỉ USD. Kể từ sau khủng hoảng năm 2008, nước Mỹ chưa bao giờ phải trả cái giá đắt đến thế trong suốt 5 năm qua.

Các công ty “nhàn rỗi”

Các công ty đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý vừa rồi với tín hiệu lạc quan trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2013. Tuy nhiên, chính phủ đóng cửa đồng nghĩa với việc buộc phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh có liên quan đến chính phủ hoặc cũng vì vậy mà đánh mất khách hàng, nhiều công ty dự đoán kết quả hoạt động sẽ khó tránh khỏi cảnh ảm đảm trong quý thứ cuối cùng năm nay.

Trong hàng trăm doanh nghiệp đượcStandard and Poor’sxếp hạng và đã công bố kết quả kinh doanh, có đến hai phần ba trong số đó dự kiến triển vọng tiêu cực trong quý IV và tiến tới cắt giảm chỉ tiêu tuyển dụng. Trả lời phỏng vấn tờ Business Roundtable, một nửa số CEO của các tập đoàn lớn của Mỹ thừa nhận đã hoãn kế hoạch tuyển dụng ít nhất trong vòng 6 tháng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn và địa điểm du lịch, sự suy giảm doanh thu là vô cùng rõ rệt.

Tổn thất 24 tỉ USD hay 0,6% tăng trưởng

Các nhà kinh tế học nhận định khủng hoảng ngân sách đã không kéo dài đến mức có thể làm cho đất nước rơi vào suy thoái, nhưng đã gây ra tác động đáng kể lên chỉ số tăng trưởng kinh tế trong quý IV. “Đóng cửa chính phủ đã khiến cho tỉ lệ tăng trưởng GDP năm của kinh tế Mỹ mất đi 0,6%” Beth Ann Bovimo, chuyên gia kinh tế của Standard and Poor’s giải thích thêm, khoản mất mát trên tương đương với 24 tỉ USD. Chính phủ mở cửa trở lại chắc chắn sẽ tạo ra sự phục hồi nhẹ, chính phủ cũng sẽ giải quyết những công việc tồn đọng của mình. Nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ không thể lấy lại doanh thu như kì vọng trong 15 ngày đầu của tháng 10.

Những khoản nợ ngày một “đắt đỏ”

Mức lợi suất cho Bộ tài chính để huy động tiền từ thị trường chưa bao giờ cao đến như vậy tính từ 5 năm trở lại đây. Theo số liệu tổng hợp của Financial Times, chi phí trực tiếp sau cuộc chiến trần nợ mà Mỹ phải gánh chịu là 73 triệu USD do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt. Khoản tiền này có giá trị tương đương tổng mức lương hàng năm của tất cả thành viên tại Hạ viện hay ngang bằng với chi phí điều hành của Tòa án Tối cao Pháp viện Mỹ.

Tiêu dùng suy giảm?

Ảnh hưởng đến tiêu dùng hộ gia đình (khu vực luôn chiếm khoảng hai phần ba tăng trưởng) vẫn còn chưa rõ ràng, bất chấp những cảnh báo từ các chuỗi phân phối lớn như Wal-Mart, Whole Foods, Target.

Tuy nhiên nếu tình hình xấu đi, niềm tin tiêu dùng có thể suy giảm mạnh trong tháng này và trở thành điềm báo cho một thời kỳ như đã từng xảy ra vào mùa thu năm 2008, sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản.

Dĩ nhiên, còn không ít tổn thất chưa được đánh giá, nhưng với chỉ bấy nhiêu chi phí mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu và khoảng 2 triệu người mất việc tạm thời để chỉ đối lấy thời gian dành cho cuộc tranh đấu chính trị của hai đảng, liệu có quá khi nói rằng, ngân sách và trần nợ là cuộc chiến vô nghĩa nhưng đã tiêu tốn hàng chục tỷ đô-la?


Nguồn Dân Việt


Sự kiện