Một thập kỷ thắt chặt ngân sách bắt đầu giảm gánh nặng lên nền kinh tế nước Anh.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 18/11/2022 16:09

Ngân sách nước Anh rơi vào tình trạng khẩn cấp

Theo một số tờ báo nước Anh, Bộ trưởng Tài chính, ông Jeremy Hunt, dự kiến ​​​​sẽ cắt giảm chi tiêu 30 tỉ bảng và tăng thuế thêm 24 tỉ bảng.

Chỉ ba tuần sau khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phải đối mặt với một bài toán khó, khi vừa phải cân bằng ngân sách quốc gia vừa hỗ trợ hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong bối cảnh cuộc chiến của Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Tuyên bố ngân sách rơi vào tình trạng khẩn cấp được đưa ra nhằm mục đích khôi phục uy tín về mặt tài chính và chính trị của chính phủ sau khi cựu Thủ tướng Liz Truss tuyên bố cắt giảm 45 tỉ bảng Anh (53 tỉ USD) tiền thuế, điều đó đã tác động không ít đến lòng tin của nhà đầu tư, đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp kỷ lục so với USD và khiến các Ngân hàng Trung ương phải can thiệp ngay lập tức. Chính sách này là một trong những nguyên nhân chính khiến bà Truss buộc phải từ chức chỉ sau sáu tuần đương nhiệm.

Ông Torsten Bell, Giám đốc Điều hành của Resolution Foundation, một tổ chức tư vấn tìm cách cải thiện mức sống của những người có thu nhập trung bình và thấp, cho biết chính phủ sẽ đấu tranh để đáp ứng tất cả các nhu cầu đang tăng.

 

Động thái lấy lại niềm tin đồng nghĩa với việc đáp ứng nhu cầu của các y tá, cảnh sát, lính biên phòng và công chức, những người đang đòi tăng lương sau khi lạm phát tăng lên mức 11.1%, cao nhất trong 41 năm, vào tháng 10. Những người nhận phúc lợi và lương hưu cũng đang trông đợi khoản thanh toán cao hơn, còn các gia đình có thu nhập thấp đang kêu gọi mở rộng chương trình bữa trưa miễn phí ở các trường học.

Nhưng nguồn lực thì có hạn, với việc ông Sunak phải đối mặt với ngân sách thâm hụt ít nhất 40 tỉ bảng Anh (47 tỉ USD) mà theo đó ông sẽ phải cân bằng bằng cách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Theo một số tờ báo nước Anh, Bộ trưởng tài chính, ông Jeremy Hunt, dự kiến ​​​​sẽ cắt giảm chi tiêu 30 tỉ bảng và tăng thuế thêm 24 tỉ bảng.

Có khả năng các công ty năng lượng sẽ bị đánh thuế nhiều hơn, trong khi đó kế hoạch nâng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân lên cao hơn đang được cân nhắc trì hoãn. Điều này sẽ giúp những người nộp thuế cá nhân tăng thêm thu nhập, khi khung lương của họ tăng theo lạm phát.

Tình trạng thiếu hụt ngân sách xảy ra trong một bối cảnh nghiệt ngã, với cuộc chiến ở Ukraine, dư chấn từ đại dịch COVID-19 và những căng thẳng kinh tế khi Anh rời Liên minh châu Âu, tất cả đều đè nặng lên nền kinh tế nước Anh.

Sản lượng kinh tế giảm 0,2% trong quý III và Ngân hàng Anh dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái có thể kéo dài tới hai năm. Chính phủ cũng đang phải gánh chịu hậu quả từ việc cắt giảm thuế của cựu Thủ tướng Liz Truss, điều khiến danh tiếng kỷ luật tài chính của nước Anh bị tổn hại và chi phí vay vốn cao hơn. Hiện ông Hunt và ông Sunak, những người thay thế bà Truss, đã đảo ngược hầu hết các chính sách trước đó, đồng thời cam kết rằng chính phủ sẽ thanh toán các hóa đơn và bắt đầu giảm các khoản nợ đã tích tụ trong 15 năm qua.

 

Nợ công của Vương quốc Anh tăng vọt lên gần 83% sản lượng kinh tế trong năm 2017 từ mức dưới 36% trong năm 2007, khi chính phủ cứu trợ các ngân hàng và nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Một thập kỷ thắt chặt ngân sách bắt đầu giảm gánh nặng lên nền kinh tế nước này, cho đến khi đại dịch COVID-19 và chiến tranh ở Ukraine đẩy nợ lên 98% tổng sản phẩm quốc nội. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1963, khi nước Anh vẫn đang phục hồi sau Thế chiến II.
 
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo không nên nóng vội trong việc giảm nợ chính phủ vào thời điểm mà chi phí lương thực, năng lượng hay nhà ở đều tăng cao, điều được cho là sẽ xóa sạch khoản tiết kiệm của 1/5 hộ gia đình Anh.

Có thể bạn quan tâm: 

Bất động sản khó khắp nơi nhưng ở Anh rất sôi động, vì sao?

Nguồn AP News