Thứ Tư | 06/02/2013 09:09

Ngân hàng: Việt Nam cắt lương trừ thưởng, Indonesia lãi lớn

Bí quyết là tập trung vào cho vay tiêu dùng, tín dụng vi mô và doanh nghiệp nhỏ.
Nếu mua ngay một chiếc Yamaha Mio, Suryadi chỉ mất có 11,8 triệu rupi (tức hơn 25 triệu VNĐ), nhưng anh chọn vay với lãi suất 16%.

Hàng tháng anh dành 1/5 lương trả góp cho ngân hàng PT Bank Danamon. Lúc hết nợ, tổng số tiền anh thực trả cao hơn giá gốc 46%.

"Mình không có tiền mặt," Suryadi nói. "Nên chỉ trả góp được thôi."

Nhờ những người vay như Suryadi mà nay ngành ngân hàng Indonesia ăn nên làm ra số một trong số các nước G20. ROE trung bình của 5 ngân hàng có vốn hóa trên 5 tỷ USD của nước này là 23%.

Tỷ lệ này còn cao hơn cả Trung Quốc (21%) và Canada (20%), gấp đôi Mỹ (9%). Khả năng sinh lời có thể còn cao hơn nếu ngân hàng Indonesia thuộc trong nhóm hoạt động có hiệu quả nhất (tính theo tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng tài sản).

Năm 2011, ROE trung bình của các ngân hàng Việt Nam khoảng 14,4%. Năm nay chắc chắn con số này sẽ thấp hơn đáng kể

Biên lãi ròng

Ngân hàng Indo lãi cao là do biên lãi ròng cao (tức hiệu số giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, trung bình 12% theo NHTW nước này). Theo dữ liệu của Bloomberg, con số này là 7%.

"Ngân hàng Indo lãi lớn là nhờ dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay tiêu dùng chứ không phải cho các đại gia vay..."

"Đó đơn thuần là chuyện cung cầu," Partner và Managing director tại Boston Consulting Group văn phòng Jakart, ông Ken Timsit, nói. "Nhu cầu tín dụng quá lớn, mà cung lại ít," nên ngành cho vay vô cùng béo bở.

Trong số các ngân hàng Indo, PT Bank Rakyat Indonesia lãi đậm nhất, ROE tới 34% còn PT Bank Central Asia có vốn hóa thị trường cao nhất. Năm 2011, ngân hàng Việt Nam có ROE cao nhất là ACB (27%)

Theo McKinsey, năm 2011 ROE của giới ngân hàng toàn cầu giảm xuống 7,6% so với con số 8,4% một năm trước đó, thấp hơn lợi tức cổ đông yêu cầu (khoảng 10-12%). Năm 2011, ngân hàng tại Mỹ có ROE trung bình 7% trong khi ngân hàng Châu Âu coi như không có lợi nhuận.

Cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Indo lãi lớn là nhờ dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay tiêu dùng chứ không phải cho các đại gia vay, Giám đốc tài chính Pahala Mansury từ PT Bank Mandiri chia sẻ. Đây là ngân hàng lớn thứ hai Indonesia tính theo giá trị vốn hóa thị trường và có 60% cổ phần do nhà nước nắm.

Bộ phận tín dụng vi mô, cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ của Bank Mandiri chiếm 30% lợi nhuận, 50% doanh thu và 40% dư nợ của ngân hàng này.

Bank Central Asia tăng dư nợ cho vay tiêu dùng gần 50% trong năm 2012. Nay cho vay tiêu dùng chiếm 27,5% dư nợ của Bank Central Asia so với 25% một năm trước đó.

Theo báo cáo của Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu năm nay có thể tăng do tăng trưởng tín dụng cao. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu mới nhất của ngân hàng Indonesia chỉ là 2%. Theo Fitch, ngân hàng có khả năng duy trì lợi nhuận vì họ đã trích lập dự phòng đầy đủ để bù đắp thua lỗ.

Nhóm 5 ngân hàng lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường chiếm gần một nửa dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng Indonesia.

Bank Danamon, ngân hàng có riêng bộ phận cho vay mua xe như trường hợp của Suryadi, có biên lãi ròng cao nhất (9,84%). Tiếp theo là ngân hàng nhà nước Bank Rakyat với biên lãi ròng 8,37%.

Lãi khủng

Năm 2012, lợi nhuận của Rakyat tăng 23% lên 18,5 nghìn tỷ rupi (tức 40 nghìn tỷ VNĐ). Lợi nhuận tăng trưởng là do ngân hàng tập trung vào tín dụng vi mô, thông cáo của Rakyat cho biết. Năm 2011, ngân hàng Việt Nam có LNST cao nhất là Vietinbank (6,2 nghìn tỷ VNĐ).

Citigroup là ngân hàng ngoại lớn thứ hai ở Indonesia với 22 chi nhánh ở 6 thành phố. Citigroup có biên lãi ròng chỉ 4%. Khoảng 65% lợi nhuận đến từ cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn nên biên lãi ròng mỏng hơn so với ngân hàng nội.

Tháng 5/2011, NHTW Indonesia cấm Citigroup chào bán dịch vụ quản lý tài sản và thẻ tín dụng cho khách hàng mới trong vòng một năm sau khi một nhân viên bị buộc tội ăn cắp 5 triệu USD của khách hàng và một khách hàng khác qua đời ngay tại chi nhánh Citigroup sau phiên "họp" với đội thu nợ của ngân hàng này.

Thu nhập từ phí

Do thiếu dữ liệu lịch sử tín dụng của người vay và lãi suất tương đối cao (có thể lên tới 30%) nên vẫn có rất nhiều người không tiếp cận được vốn vay.

Lợi nhuận "tương ứng với nhu cầu của nền kinh tế, và biên lãi ròng chỉ giảm nếu cơ sở hạ tầng ngành ngân hàng tốt hơn, dữ liệu khách hàng tốt hơn, dữ liệu người cho vay tốt hơn, chứ không phải sức ép đòi giảm lãi suất từ cơ quan quản lý," Timsit nói.

Khi biên lãi vay giảm, phí thu từ các hoạt động như thanh toán, ngân hàng đầu tư và bảo hiểm sẽ phải tăng.

"Tôi sẽ đi vay"

"Cạnh tranh sẽ đẩy biên lãi vay xuống thấp, nhưng cũng phải mất vài năm nữa," nhà phân tích Hasjim từ Nomura nói.

Trong khi đó, lãi suất có cao nhưng Suryadi vẫn không ngại đi vay. Anh đang tiết kiệm tiền xây nhà với tổng dự chi khoảng 50 triệu rupi (hơn 100 triệu VNĐ).

"Tôi rất muốn có một căn nhà," anh chàng làm nghề bơm xăng này nói. "Tôi sẽ đi vay."

Nguồn CafeF/Bloomberg


Sự kiện