Ngân hàng trung ương và bài kiểm tra tâm lý Rorschach
Sau hơn một nửa thập kỷ "đóng băng" lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng cũng tin rằng, kinh tế Mỹ đang cải thiện mạnh mẽ đủ để bắt đầu nâng lãi suất. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là khi nào Fed mới chịu nâng lãi suất.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ gần đây cho thấy những dấu hiệu cải thiện không đồng đều, dẫn tới quan điểm "kiên nhẫn" của Fed trong định hướng lãi suất. Thậm chí cả Ray Dalio và Jeffrey Gundlach - hai nhà đầu tư hàng đầu thế giới - cũng cảnh báo rằng, Fed không nên quá vội vàng trong kế hoạch bình thường hóa chính sách trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên vẫn có số ít nhà hoạch định chính sách cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để Fed nâng lãi suất. Và dường như để xoa dịu tâm lý của phía thiểu số này, Fed đành gỡ bỏ quan điểm "kiên nhẫn" về mặt ngôn ngữ trong cuộc họp chính sách tháng 3 vừa qua.
Các quan chức ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng gặp trường hợp tương tự khi cùng lúc có 3 quan điểm nâng, hạ hoặc giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện tại (0,5%) được đưa ra trong các phiên họp gần đây.
Trong bài phát biểu hồi đầu tháng 3, chuyên gia kinh tế trưởng Andy Haldane tại BOE đánh tín hiệu rằng, có khả năng các nhà hoạch định chính sách Anh sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới. Ông Haldane cho biết: "Hiện tại, tôi chưa nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy cần phải thay đổi chính sách [tăng hay giảm lãi suất] ngay lập tức. Nhưng nếu bắt buộc phải thay đổi lãi suất trong bối cảnh các rủi ro lạm phát mất cân bằng, thì khả năng tăng hay giảm lãi suất là ngang nhau".
Tuy nhiên theo mô hình dự báo của BOE, hạ lãi suất có thể sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp đẩy lạm phát tăng nhanh lên mức mục tiêu 2% đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế, ông Haldane cho biết. So với chính sách hiện tại, việc hạ lãi suất xuống 0% trong khoảng 1 năm sẽ giúp giá tiêu dùng tại Anh tăng nhanh hơn nhiều và rất có thể ông Haldane sẽ bỏ phiếu cho việc hạ lãi suất trong những tháng tới.
Hiện nay, kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên mong manh với nhiều rủi ro lớn từ giảm phát, lợi suất trái phiếu âm, làn sóng nới lỏng tiền tệ toàn cầu đến tình hình tăng trưởng lương chậm chạp tại cả Mỹ và Anh.
Dù nhìn từ những số liệu kinh tế giống nhau nhưng không phải lúc nào tất cả các nhà hoạch định chính sách của Fed, BOE hay bất kỳ ngân hàng trung ương nào cũng đưa ra một ý kiến thống nhất ngay từ ban đầu. Nói theo ngành tâm thần học thì các nhà hoạch định chính sách toàn cầu giống như đang tham gia bài trắc nghiệm tâm lý Rorschach.
Theo như tường trình của tác giả Hermann Rorschach, bài trắc nghiệm Rorschach được thiết kế nhằm phản ánh những phần vô thức trong một nhân cách được "phóng chiếu" lên trên các nhân tố kích thích. Các cá nhân được cho xem lần lượt mười dấu mực, sau đó phải báo cáo lại xem đã nhìn thấy đồ vật hay hình dáng gì trong mỗi dấu mực đó. Những người ủng hộ cho rằng bài trắc nghiệm có thể cung cấp cái nhìn sâu về đặc điểm tính cách, xung đột nội tâm, trí thông minh nói chung,... của một người. (Nguồn: Wikipedia) |
Nguồn DVO/ Bloomberg View