Thứ Sáu | 10/05/2013 08:29

Ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ

Sau làn sóng nới lỏng của Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới được cho là cũng sẽ nới lỏng tiền tệ.
Giữa lúc các quan chức tài chính G7 nhóm họp tại Anh, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley và Credit Suisse cũng như một số định chế khác cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

“Hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có khuynh hướng nới lỏng. Với xu hướng như vậy, sẽ có nhiều ngân hàng nới lỏng chính sách trong tương lai”, chuyên gia kinh tế Morgan Stanley nhận định.

Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne cho rằng, cuộc họp của G7 sẽ là cơ hội để xét xem phải tăng cường các động thái tiền tệ thế nào để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong khi vẫn đảm bảo kỳ vọng lạm phát ổn định.

Hôm qua 9/5, ngân hàng trung ương Hàn Quốc bất ngờ hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, đánh dấu lần hạ lãi suất thứ 511 của các ngân hàng trung ương toàn cầu kể từ tháng 6/2007, số liệu của Bank of America cho biết.

Ngân hàng trung ương Australia trong tuần này cũng hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục, trong khi ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) và ngân hàng trung ương Ấn Độ quyết định nới lỏng chính sách hơn nữa vào tuần trước. Các nước như Australia, New Zealand và Thụy Sỹ cũng hành động để ngăn nội tệ tăng giá trước khi đà tăng này ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu. Những nước tiếp theo có thể tham gia vào làn sóng nới lỏng theo dự đoán của Morgan Stanley gồm Trung Quốc, Philippines, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nga và có thể là Hungary.

Mặc dù ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ (BOJ và Fed) vẫn giữ nguyên chính sách từ các cuộc họp trước, nhưng BOJ quyết định tăng gấp đôi lượng mua trái phiếu chính phủ, trong khi Fed để ngỏ khả năng tăng quy mô kích thích tiền tệ.

Trong bối cảnh giá hàng hóa giảm, tăng trưởng kinh tế chậm chạp cũng làm giảm sức ép lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương phải hành động để ngăn nguy cơ giảm phát. Chuyên gia kinh tế JPMorgan Chase dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,3% trong quý II này, từ hơn 3% trong quý I/2012.

Mặc dù làn sóng bơm thanh khoản giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng vọt, thì mặt khác đến nay nó không có nhiều tác dụng thúc đẩy tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho rằng, ngay cả với nới lỏng chính sách như vậy, các ngân hàng trung ương cũng khó đưa kinh tế toàn cầu tăng trưởng trên 3%, nghĩa là thấp hơn trung bình 4% của những năm trước khủng hoảng tài chính. Tình hình tài khóa suy yếu, nhu cầu trả nợ nần của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng yếu kém của châu Âu sẽ lafmmaast dần tác dụng của các chính sách nới lỏng.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện