Ngân hàng trung ương Nhật Bản có quyết định kích thích đầy mạo hiểm?
Rõ ràng hơn bao giờ hết rằng sự hội tụ của chính sách tiền tệ bất thường và chính sách tài khóa đang diễn ra chẳng sớm thì muộn với hình thức kích thích phát triển cơ sở hạ tầng. Liệu điều này có xảy ra tại Nhật Bản?
Sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thượng viện hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập đến gói kích thích mới, trị giá 10-20 nghìn tỷ yên (94-188 tỷ USD), vượt xa con số 250 tỷ yên mà Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho rằng sẵn có để phục vụ mục đích này.
Sự khác biệt trên một phần đến từ sự tác động của cựu chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Mỹ Ben Bernanke khi ông có cuộc gặp và tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản tại Tokyo trước thời điểm ông Abe công bố gói kích thích.
Trước đó hồi tháng 4, ông Bernanke đã đăng lên trang blog bài viết về việc in tiền trực tiếp nhằm tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng thông qua ngân hàng trung ương.
Động thái này chắc chắn sẽ phù hợp với lộ trình của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda - người đang thực sự cần một chiến lược mới “sốc và táo bạo” sau khi việc áp dụng lãi suất âm hồi tháng 1 không thể cải thiện thị trường và đẩy tăng kỳ vọng lạm phát - lạm phát chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012 trước khi ông Kuroda nhậm chức. Việc này cũng phù hợp với quyết sách của Bộ Tài chính Nhật Bản khi số tiền chi thêm không phải lấy từ ngân sách của Bộ.
Khả năng phát triển “Chương trình tài trợ tài chính – tiền tệ” (Money-Financed Fiscal Program) đang trở nên rõ ràng hơn sau lần gặp mặt giữa ông Bernanke với 2 nhà lãnh đạo Nhật Bản, ông Abe và Kuroda hồi đầu tháng 7.
Điều này có ý nghĩa gì với thị trường? Cổ phiếu Nhật Bản sẽ được mua vào trong khi yên sẽ bị bán tháo. Đây là lý do tại sao tỷ lệ rủi ro-lợi nhuận (risk-reward) vẫn sẽ hỗ trợ hoạt động bán khống yên với mức giá hiện tại, ngay cả khi đồng tiền này đã giảm giá so với USD.
Với lợi tức trái phiếu ở mức thấp kỷ lục, Thủ tướng Abe rất muốn việc hỗ trợ tài chính thông thường thông qua việc phát hành trái phiếu vì chi phí nợ lãi sẽ xuống mức tối thiểu. Hơn nữa, sự tín nhiệm của ông Abe đang lên cao và mối hoài nghi từ các quan chức đã giảm đáng kể từ vụ tranh luận nền kinh tế có hay không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng doanh thu thuế vào tháng 4 năm 2014.
Dù vậy, quyết định đưa ra một chính sách mới nhằm kích thích nền kinh tế vẫn đè nặng lên vai ông Kuroda. Là người đứng đầu BOJ, ông Kuroda chắc chắn biết rõ đề xuất của ông Bernanke. Thực tế, ông Bernanke có thể được mời đến Tokyo để tham khảo ý kiến. Với thực tế rằng người Nhật không thích trở thành các nhà cải cách và muốn theo chân Fed, ông Bernanke chắc chắn sẽ hỗ trợ để BOJ hành động.
Trong khi đó, ông Kuroda dường như muốn rút khỏi chương trình lãi suất âm. Điều đáng lưu ý là các khoản tiền gửi tại BOJ thực sự đã tăng 20% kể từ ngân hàng trung ương bắt đầu áp dụng chính sách lãi suất âm hồi giữa tháng 2 - chứng tỏ chính sách này đã thất bại hoàn toàn.
Đối với việc mua trái phiếu chính phủ của BOJ, chính sách này thậm chí khó thực hiện hơn khi khối lượng giao dịch lao dốc và các ngân hàng thương mại Nhật Bản ngày càng không muốn bán ra. Lý do một phần là vì các ngân hàng lớn đã bán ra hơn 1/2 danh mục đầu tư trái phiếu hiện có và một phần vì các ngân hàng chưa muốn từ bỏ trái phiếu dài hạn - vốn vẫn có lợi tức dương.
Điều này làm nảy sinh vấn đề là liệu BOJ đã đạt đến giới hạn của chương trình mua trái phiếu chính phủ hay chưa - mục tiêu hiện nay là mua 80 nghìn tỷ yên so với ước tính ban đầu phát hành hàng năm 34 nghìn tỷ yên.
Ngân hàng trung ương khẳng định sẽ không tham gia vào việc phát hành thêm tiền trong khi nhấn mạnh sẽ chỉ mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Điều này trái ngược với những gì sẽ xảy ra nếu BOJ mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Quy trình này sẽ khiến lạm phát tăng cao.
Đây là lý do tại sao ông Kuroda phải tìm kiếm một hình thức mới thay thế việc nới lỏng tiền tệ. Chắc chắn, nếu thống đốc BOJ không làm gì hoặc chỉ có những biện pháp nhẹ nhàng như mua cổ phiếu ở các quỹ giao dịch, thị trường sẽ không thể hồi phục.
Để xoa dịu lo ngại tiềm ẩn về tính nhất quán tài chính của chính phủ, ông Kuroda – hoặc các ngân hàng trung ương khác, những người lựa chọn phát hành tiền để sử dụng cho mục tiêu kích thích kinh tế - sẽ cố gắng biện hộ rằng quá trình này chỉ diễn ra một lần. Tuy nhiên, nếu cứ thay đổi chính sách kích thích nền kinh tế một khi không hiệu quả trong thời gian ngắn, nguy cơ cao là thị trường tài chính sẽ bắt đầu xem các ngân hàng trung ương như các công cụ tạo ra sự bất ổn hơn là sự ổn định.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg